Tranh chấp 'ghế nóng': Eximbank như 'rắn mất đầu' trước thềm ĐHCĐ

author 06:46 22/04/2019

(VietQ.vn) - Cuộc chiến giành “ghế nóng” chưa lắng thì Ngân hàng Eximbank tiếp tục gây “bão” dư luận khi “bỏ ngỏ” tên Tổng giám đốc trong các tờ trình của HĐQT trong tài liệu họp HĐCĐ 2019.

Sự kiện: Kinh doanh

Eximbank ‘khuyết’ Tổng giám đốc

Theo dự kiến, ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB) sẽ tiến hành HĐCĐ thường niên 2019. Tuy nhiên, điều bất ngờ chính là những tờ trình của HĐQT trong tài liệu họp ĐHCĐ 2019 đều "bỏ ngỏ" tên Tổng giám đốc.

Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ ký của Tổng giám đốc ngân hàng.

Cụ thể, trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ ký của Tổng giám đốc ngân hàng. Các tờ trình còn lại như: Báo cáo của Ban kiểm soát (BKS), Kinh phí hoạt động và thù lao của BKS do ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát ký. Các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, thành phần Ban tổng giám đốc Eximbank có ông Lê Văn Quyết và 8 Phó Tổng giám đốc. Ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Eximbank.

Được biết, ông Lê Văn Quyết được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Eximbank vào ngày 15/12/2015 và TGĐ từ ngày 5/4/2016 cho đến nay chưa có quyết định thôi vị trí này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Lê Văn Quyết đã có ý kiến về việc Eximbank nên tìm Tổng giám đốc mới để đảm bảo hoạt động liên tục.

Cuộc chiến giành ‘ghế nóng’ chưa đến hồi kết

Trước đó hồi tháng 3, lùm xùm "ghế nóng" tiếp tục diễn ra ở Eximbank. Cụ thể, HĐQT Eximbank ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc đã khiếu nại lên tòa án và cho rằng phiên họp của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý; những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp lý…

Cuộc chiến "ghế nóng" giữa lãnh đạo cấp cao Eximbank chưa tới hồi kết.

Liên quan đến thông tin này, phía Eximbank cũng đã có đơn kiến nghị phản hồi và khẳng định cuộc họp của HĐQT ngày 22/3 và ban hành Nghị quyết số 112 bầu Chủ tịch mới là đúng quy định và điều lệ của ngân hàng.

Tuy nhiên, sau đó, toà quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” buộc các đồng bị đơn phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019 ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án. Đến này các thông tin cụ thể vẫn chưa “ngã ngũ”.

Những bê bối khiến Eximbank ‘ngập ngụa’ trong khó khăn

Trong khi câu chuyện tranh chấp quyền lực chưa lắng xuống thì Eximbank tiếp tục khiến dư luận "dậy sóng" bởi những vụ việc liên quan đến tiền gửi của khách hàng bất ngờ “bốc hơi”.

Trước đó, bà Chu Thị Bình tố mất 245 tỷ tiền gửi tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lam lấy 50 tỷ đồng tiền gửi của nhóm khách hàng 6 người tại Phòng giao dịch Đô Lương chi nhánh Vinh. Sự việc này khiến cho hoạt động của nhà băng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động tiền vốn, hoạt động tín dụng cũng bị liên đới.

Vì thế, năm 2018, tổng tài sản Eximbank là 152.652 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017, chỉ hoàn thành 86% kế hoạch (kế hoạch đề ra tăng lên 178.000 tỷ đồng). Vốn huy động tăng vỏn vẹn 1% so với năm 2017, đạt 118.694 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch đề ra là 148.000 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 104.118 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 3% so với năm 2017, hoàn thành 92% kế hoạch đề ra là 113.560 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,84%.

 Khách hàng Chu Thị Bình tố mất 245 tỷ tiền gửi tại ngân hàng Eximbank.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 801 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 827 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch đề ra là 1.600 tỷ đồng. Theo Eximbank, nguyên nhân khiến lợi nhuận thấp là do nhà băng này phải trích bổ sung dự phòng 904 tỷ đồng (bao gồm trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định tại Thông tư 08/2016) số tiền 514 tỷ đồng.

Đồng thời, Eximbank trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lam lên tới 390 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh (chênh lệch thu chi) của Eximbank trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1.731 tỷ đồng.

Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM xử phúc thẩm và buộc Eximbank bồi thường hơn 115 tỷ đồng tiền lãi phát sinh và lãi phạt chậm thanh toán tiền gốc 245 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang