Sau lùm xùm ‘tiền không cánh bay’ của khách hàng: Eximbank ảnh hưởng ra sao?

author 06:23 20/04/2019

(VietQ.vn) - Vụ 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình (TP.HCM); 50 tỷ đồng tiền gửi của 6 khách hàng tại PGD Đô Lương chi nhánh Vinh “không cánh mà nay” đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động huy động vốn của Eximbank.

Eximbank khó huy động vốn sau những sự cố mất tiền của khách hàng

Mới đây, theo báo cáo của Ban kiểm soát Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB), vụ tiền gửi trị giá 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình tại chi nhánh TPHCM và 50 tỷ đồng tiền gửi của 6 khách hàng tại Phòng giao dịch Đô Lương chi nhánh đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà băng này. Do đó, toàn hệ thống nhà băng gặp khó khăn trong việc huy động vốn, hoạt động tín dụng cũng bị liên đới do phải duy trì thường xuyên chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Sự việc trên đã tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của Eximbank trong năm 2018. Do đó, một số chỉ tiêu kinh doanh của nhà băng không đạt được kỳ vọng.

Cụ thể, tổng tài sản Eximbank là 152.652 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017, chỉ hoàn thành 86% kế hoạch (kế hoạch đề ra tăng lên 178.000 tỷ đồng). Vốn huy động tăng 1% so với năm 2017, đạt 118.694 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch đề ra là 148.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt 104.118 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 3% so với năm 2017, hoàn thành 92% kế hoạch đề ra là 113.560 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,84%.

  Eximbank bồi thường hơn 115 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 801 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 827 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch đề ra là 1.600 tỷ đồng. Theo Eximbank, nguyên nhân khiến lợi nhuận thấp là do nhà băng này phải  trích bổ sung dự phòng 904 tỷ đồng (bao gồm trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định tại Thông tư 08/2016 số tiền 514 tỷ đồng.

Đồng thời, Eximbank trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lam lên tới 390 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh (chênh lệch thu chi) của Eximbank trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1.731 tỷ đồng.

Liên quan đến việc 245 tỷ đồng của bà Bình, mới đây Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM xử phúc phúc thẩm và buộc Eximbank bồi thường hơn 115 tỷ đồng tiền lãi phát sinh và lãi phạt chậm thanh toán tiền gốc 245 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình.

Eximbank chưa tuân thủ 3 chỉ tiêu của Thông tư 36/2014

Ở diễn biến khác, trong năm 2018, Eximbank chưa tuân thủ 3 chỉ tiêu của Thông tư 36/2014TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, đó là tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank ở mức 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa 5%. 

Chủ yếu là 7 khách hàng có nợ quá hạn thế chấp cổ phiếu STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín) vay mua cổ phiếu Eximbank. Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng TP.HCM yêu cầu không được xử lý tài sản thế chấp là cổ phiếu STB nên Eximbank chưa thể thu hồi được khoản nợ này để giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán theo quy định.

Eximbank chưa tuân thủ 3 chỉ tiêu của Thông tư 36/2014 

Đồng thời, có 2 khoản cấp tín dụng đối với tổng dư nợ 368 triệu đồng vi phạm khoản 4 điều 10 Thông tư 36 về việc cấp tín dụng cho người có liên quan ban điều hành (Phó tổng giám đốc) không trình Hội đồng quản trị phê duyệt mà do chi nhánh, khu vực phê duyệt. Khoản nợ này vừa tất toán vào ngày 8/4/2019. 

Ngoài ra, có 45 khoản vay với dư nợ 10,2 tỷ đồng, 1 khoản thấu chi dư nợ 208,7 triệu đồng và 910 khoản cấp tín dụng thông qua phát hành và sử dụng thẻ quốc tế dư nợ 8 tỷ đồng cấp cho các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo Thông tư 36 (cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo, cấp tín dụng có tài sản đảm bảo nhưng không do Hội đồng quản trị phê duyệt).

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang