Truy xuất nguồn gốc: Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng

author 16:31 29/04/2024

(VietQ.vn) - Tình trạng hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ đã tăng lên đáng kể, gây ra không ít rủi ro đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng này.

Truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ảnh ST

Hàng giả, hàng kém chất lượng - Doanh nghiệp đau đầu người tiêu dùng bất an

Theo đại diện Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua, tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, với phương thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã thay đổi cách thức hoạt động bằng sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán hàng trên không gian mạng.

Thống kê cho thấy, năm 2023 và quý I năm 2024 lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 74.719 vụ và phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 539 tỷ đồng. Trong đó, quý I năm 2024, kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về nguồn lực, cơ hội và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng Giám đốc Công ty An Khang Group cho biết, doanh nghiệp vừa mất thời gian nghiên cứu, đưa ra thị trường sản phẩm mới thì chỉ sau một thời gian ngắn đã bị làm giả tràn lan, và sản phẩm được các đơn vị làm giả bán ra thị trường thì đến doanh nghiệp sản xuất cũng không thể cạnh tranh được.

Truy xuất nguồn gốc - Giải pháp tối ưu bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Trong bối cảnh này, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là một biện pháp bảo vệ cho doanh nghiệp mà còn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI, truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng cường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều này không chỉ giúp hạn chế việc lưu thông sản phẩm kém chất lượng mà còn ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Về phía ông Tiêu Năng Minh - Phó Ban Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ giúp người tiêu dùng hiểu rõ quy trình sản xuất mà còn giúp cơ quan quản lý dễ dàng truy trách nhiệm khi sản phẩm gây ra vấn đề về sức khỏe. Đồng thời, việc này cũng thúc đẩy sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở chế biến, đẩy họ đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Nhìn chung, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Chính sách và biện pháp pháp lý phải được cải thiện và thực thi mạnh mẽ để đảm bảo rằng hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là an toàn và chất lượng. Hơn nữa, việc tăng cường thông tin và giáo dục cho người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc chọn lựa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng cũng là một phần quan trọng của giải pháp toàn diện để chống lại hàng giả và hàng kém chất lượng.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang