Nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc, phấn đấu xuất khẩu 1,6 tỷ USD cá tra năm 2022

author 19:17 25/02/2022

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, mục tiêu năm 2022 của ngành cá tra đạt sản lượng cá tra thương phẩm từ 1,6 đến 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD là khá tham vọng, đòi hỏi toàn ngành phải hết sức nỗ lực, có những giải pháp để khắc phục khó khăn, phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.

Cơ hội song hành thách thức

Ngày 25/2/2022, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với kinh tế, xã hội nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng. Hiện nay công tác kiểm soát dịch đã đạt kết quả bước đầu.

Tổng cục Thủy sản triển khai nhiệm vụ sản xuất, xuất khẩu cá tra năm 2022. Ảnh: Hoa Thịnh (Báo LĐ) 

Cùng với đó, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn là khó khăn với ngành sản xuất cá tra. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với những năm trước. Nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh. 

Về xuất khẩu, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ…

Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng. Các rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn như POR, Farmbill, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, hay các quy định mới của EVFTA của thị trường Châu Âu (EU) khiến xuất khẩu cá tra khó khăn chồng chất. 

Bên cạnh đó, với theo đuổi chính sách “zero covid”, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Lệnh 248, 249 có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh trong đó có cá tra.

Mặc khác, từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng... Do vậy, cần có những giải pháp để duy trì sự phát triển bền vững- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh. 

Phấn đấu mục tiêu xuất khẩu 1,6 t USD cá tra năm 2022

Năm 2022, ngành cá tra phấn đấu đạt sản lượng cá tra thương phẩm từ 1,6 đến 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Đây là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng…

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu cá tra, cần đa dạng hóa sản phẩm trong khâu chế biến. Hiện nay, khâu chế biến cá tra đã có rất nhiều tiến bộ, nhất là chế biến các phụ phẩm từ cá. Tuy nhiên, vẫn chưa tận dụng hết cơ hội từ thị trường, nhất là thị trường châu Âu, nên thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã bị giảm, nhất là tại thị trường EU.

Ông Lê Thanh Hòa đề nghị, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm; đặc biệt, cần các doanh nghiệp xuất khẩu lớn xây dựng thương hiệu cá tra của mình, phát triển các sản phẩm đặc thù, đảm bảo chất lượng, để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU; đồng thời mở rộng khai thác tốt các thị trường Trung đông, UAE...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để đạt mục tiêu xuất khẩu 1,6 tỉ USD trong năm 2022, Chính phủ và Bộ NNPTNT tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tạo ra do ảnh hưởng của COVID-19 để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường.

Ngành cá tra cũng thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá, tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường; Đẩy mạnh tái cấu trúc về thị trường, sản phẩm và chất lượng sản phẩm, tái cấu trúc về tài chính doanh nghiệp, năng lực quản trị doanh nghiệp. Trong chiến lược thị trường, ngành tiếp tục tập trung phát triển các thị trường có sẵn, đặc biệt là 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm từ 50-60%.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đề nghị doanh nghiệp, người nuôi cần thực hiện nghiêm quy định về điều kiện nuôi cá tra, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, cần tuân thủ quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc- Tổng cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang