Bảo hiểm y tế 'đỡ' gánh nặng bệnh tật cho người dân khi đi viện

author 10:59 04/01/2020

(VietQ.vn) - Khi chẳng may phải nhập viện, người dân có bảo hiểm y tế trong tay sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng về kinh tế, phần nào giúp bệnh nhân yên tâm chữa trị.

Nhiều dịch vụ y tế tăng giá cao hơn

Cụ thể, thực hiện theo Thông tư số 14/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập, bắt đầu từ 1/1/2020, hàng loạt tỉnh/ thành phố chính thức điều chỉnh giá các dịch vụ y tế với người không có BHYT.

Tại Hà Nội, mức giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết ban hành quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc thành phố, có hiệu lực từ 1/1/2020.

Danh mục các dịch vụ điều chỉnh giá, gồm: Giá 10 dịch vụ khám chữa bệnh; giá 6 dịch vụ ngày giường; giá 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

Từ năm 2020 những người không mua BHYT sẽ phải đóng viện phí cao hơn

 Từ năm 2020 những người không mua BHYT sẽ phải đóng viện phí cao hơn.

Cụ thể, giá khám tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 như: Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Tâm thần Hà Nội hay Đức Giang là 38.700 đồng... Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2.

Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng tương ứng với 5 hạng bệnh viện, gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4.

Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: Truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng bệnh viện nêu trên.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh viện phí lần này không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng/tháng sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng.

Được biết, toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 88% dân số tham gia BHYT. Lần điều chỉnh viện phí này chỉ áp dụng với các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, do vậy tác động không quá nhiều tới người bệnh nói chung.

Cần khuyến khích người dân tham gia BHYT

Thông tin trên báo chí, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho rằng việc điều chỉnh viện phí với người không BHYT sẽ khuyến khích người dân mua BHYT. Nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn vì tới đây chi phí KCB ngày càng tăng. Mua BHYT, lỡ không may mắc bệnh sẽ có nguồn chi trả, đặc biệt là được cho trả DVKT cao, có lợi cho người bị ung thư, bệnh mãn tính…

Bảo hiểm y tế giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho người dân khi đi viện. 

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người nghèo muốn làm BHYT nhưng lại gặp không ít khó khăn, dẫn đến không có BHYT. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Đức (51 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang điều trị tại Khoa Nội 2, BV Ung bướu, TP.HCM. Ông Đức cho biết bị hạch trong bụng, gia cảnh rất nghèo, đi nhặt củi cao su bán, mới vô viện 10 ngày đã tốn gần 20 triệu đồng. “Bệnh xuống tiền hết mà không có BHYT. Tôi đi mua BHYT người ta đòi giấy khai sinh, CMND, nhưng tôi đã mất giấy khai sinh nên không làm CMND được, do vậy tôi không thể có BHYT dù có nhà cửa, có hộ khẩu”, ông Đức nói.

Tại TP.HCM, có 10 giá khám bệnh, 38 giá giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) và xét nghiệm được điều chỉnh. Quy định trong Thông tư 14 lần này so với hiện hành thì giá nhiều loại giường ngày bệnh tăng 11 - 14%, giá các DVKT và xét nghiệm tăng 3 - 4%.

TP.HCM đề xuất thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ KCB theo Thông tư 14 (bắt đầu từ đầu năm 2020), mức giá này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc KCB và thực hiện các DVKT. Đó là các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh, ngày giường các DVKT y tế, tiền lương... “Mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT quy định tại Thông tư 14 hiện nay mới được tính 2/4 yếu tố chi phí bao gồm: chi phí trực tiếp (thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế, điện, nước, nhiên liệu, duy tu bảo dưỡng, xử lý chất thải...); tiền lương, phụ cấp (theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng); chưa được tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản”, một cán bộ tài chính Sở Y tế TP.HCM cho biết.

UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, nắm được; vận động và có giải pháp phù hợp để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT (hiện tỷ lệ bao phủ BHYT tại TP.HCM là 87,6%). Các bệnh viện (BV) niêm yết công khai bảng giá dịch vụ tại cơ sở KCB; cải tiến khâu thu, thanh toán viện phí; bố trí khu vực đón tiếp và nhân viên hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân khi làm thủ tục KCB. Các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, phục vụ.

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang