Từ vụ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá- Cần xây dựng tiêu chuẩn cho mật ong Việt Nam

author 10:22 03/11/2021

(VietQ.vn) - Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa qua đã quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong Việt Nam. Để ứng phó với vụ việc này, ngành mật ong cần đa dạng hóa hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro khi phụ thuộc quả nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là cần xây dựng tiêu chuẩn cho mật ong Việt Nam.

Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong

Tháng 5/2021 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam. Quyết định này được DOC đưa ra sau 20 ngày thụ lý đơn phản ánh từ Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux.

Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Hoa Kỳ.

Hiện tại, hơn 85% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Cần xây dựng tiêu chuẩn cho mật ong Việt Nam, để ngành sản xuất mật ong tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong những năm tới

 

Tại Tọa đàm: “Ngành mật ong ứng phó với việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá” ngày 2/11/2021, ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 30 năm qua, xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ không ngừng tăng lên. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 50.000 tấn mật ong sang Hoa Kỳ. Thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Việc Hoa Kỳ quyết định điều tra chống bán phá giá mật ong đã tác động đến ngành mật ong trong nước. Ngay lập tức, giá mật ong đã giảm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp nuôi ong lấy mật.

Theo ông Tống Xuân Chinh, thực tế, mỗi năm xuất khẩu mật ong của Việt Nam chỉ dưới 100 triệu USD, tuy nhỏ so với tổng số 41 tỷ USD xuất khẩu nông sản nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới đời sống và thu nhập của người dân. Bởi những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mật ong đều là các doanh nghiệp nhỏ và năng lực tài chính còn yếu.

Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro

Nước ta được thiên nhiên ưu đãi cho nghề làm mật ong, đó là diện tích rừng lớn, trong đó một phần lớn diện tích trồng keo. Sản phẩm mật ong xuất khẩu đi Hoa Kỳ đều là nguồn hoa từ mật keo.

Ông Đinh Quyết Tâm- Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho biết, Hội đã hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong vụ điều tra, cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch cho phía Hoa Kỳ, chuẩn bị kỹ các câu trả lời cho phía Hoa Kỳ về chất lượng mật ong

Về các giải pháp để tránh xảy ra sự việc tương tự, theo ông Tâm, chúng ta cần thực hiện một số các biện pháp như: đa dạng hóa hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới; tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Hiện ngành mật ong đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, nên nếu xảy ra vụ việc sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về việc xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp và người dân cần tập trung nhiều hơn nữa về chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng cần tăng tốc sản xuất về số lượng.

Ông Đinh Quyết Tâm cho rằng, trong các vụ khởi kiện chống bán phá giá của thế giới, các doanh nghiệp phải có luật sư hỗ trợ. Hiện nay, có trên 20 doanh nghiệp đã hợp tác với luật sư để tiến hành các điều tra sơ bộ của Hoa Kỳ. Ngoài những doanh nghiệp điều tra bắt buộc, có những doanh nghiệp tự nguyện làm đơn giải trình. Hội nuôi ong Việt Nam đã thường xuyên tập huấn thông tin cho các doanh nghiệp để hỗ trợ cho người nông dân sản xuất và xuất khẩu mật ong.

Bà Phạm Châu Giang- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị đề nghị điều tra phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nuôi ong chủ yếu phát triển từ những cơ sở kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được tiếp cận với lĩnh vực phòng vệ thương mại nên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý vụ việc.

Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong Việt Nam, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ Hoa Kỳ điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã thu thập dữ liệu, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nuôi ong Việt Nam triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, chia sẻ quy định pháp luật, kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến Hoa Kỳ, giải đáp thắc mắc và khuyến nghị một số hoạt động ứng phó cho các doanh nghiệp.

Ngay khi vụ việc được Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra, Cục Phòng vệ thương mại đã liên tục trao đổi với từng doanh nghiệp xuất khẩu để tìm hiểu thông tin cũng như tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp mình, đồng thời thường xuyên theo dõi những diễn biến mới của vụ việc từ Cơ quan điều tra Hoa Kỳ để thông báo tới Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam nhằm đảm bảo thời hạn phối hợp cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ- bà Phạm Châu Giang cho hay.

Cần xây dựng tiêu chuẩn mật ong Việt Nam

Việt Nam có trên 1 triệu đàn ong với năng suất mật trên 60.000 tấn. Hiện mật ong Việt Nam đã xuất khẩu đến 12 quốc gia và lãnh thổ. Trong đó, 90% lượng mật ong được xuất khẩu và 85% xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mật ong Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang châu Âu từ năm 1985 với sản lượng năm cao nhất là 6.000 - 7000 tấn mật. Thị trường EU còn có nhiều dư địa cho mật ong Việt Nam, bởi mỗi năm, thị trường này nhập khẩu khoảng 300.000 tấn mật ong. Xuất khẩu mật ong sang Anh quốc những năm qua cũng tăng trưởng đáng kể. Tại thị trường châu Á, mật ong cũng đã xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia. Đặc biệt năm 2021 này, mật ong Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sang các nước khối Ả Rập như: Ả Rập Saudi, Oman… .

Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam ông Đinh Quyết Tâm phân tích, về chất lượng, mật ong là chất ngọt tự nhiên hoàn toàn, tức là không có bất kỳ gia công nào của con người và là sản phẩm duy nhất ăn trực tiếp, do vậy yêu cầu về chất lượng mật ong rất cao.

Quy định của EU và Hoa Kỳ không cho phép có dư lượng kháng sinh trong mật ong. Vì vậy, để xuất khẩu được sản phẩm này, cần phải qua 4, 5 bước kiểm tra từ trong nước và nước ngoài. Hiện mật ong Việt Nam hoàn toàn được các thị trường quốc tế chấp nhận.

Ông Tâm cho biết, năm 1981, khi thế giới tiến hành xây dựng tiêu chuẩn, quy định về mật ong thì không có một đại diện châu Á nào tham dự. Nên khi quốc tế đưa ra tiêu chuẩn về mật ong thì không phù hợp với châu Á.

Đến thời điểm hiện tại, châu Á vẫn chưa có tiêu chuẩn về mật ong. Điều này khiến ngành mật ong của châu Á đang bị tấn công bởi các đối thủ cạnh tranh từ các nước ôn đới.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc, phải xây dựng tiêu chuẩn cho mật ong Việt Nam, để ngành sản xuất mật ong đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong những năm tới.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang