Từ vụ kẹo rau củ Kera: Người tiêu dùng có được tự lấy mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm và công bố?

(VietQ.vn) - Từ vụ kẹo rau củ Kera, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi liệu người tiêu dùng có được tự lấy mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng và công bố kết quả kiểm nghiệm trên mạng xã hội?
Sản xuất pin trọng lực có thể là 'hồi kết' cho pin lithium-ion
Phát hiện kho thuốc tây không hóa đơn chứng từ tại Đồng Nai
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo làm cộng tác viên online
Trước đó, mạng xã hội dấy lên tranh cãi về sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt do Quang Linh Vlogs, KOL Hằng Du Mục và Hoa hậu Thuỳ Tiên quảng cáo. Trong nhiều phiên livestream, Quang Linh Vlogs khẳng định: "1 viên kẹo tương đương 1 đĩa rau", sản phẩm này dành cho “những người không ăn được rau, nhìn thấy rau là chạy” hay “1 hộp như này như 1 bó rau, hay 1 đĩa rau luộc luôn đó. Mỗi ngày mọi người ăn giúp mình 2-3 viên sau bữa ăn là được. Mọi người coi kỹ sản phẩm này để mua cho con cái với những người kén ăn rau…”.
Hoa hậu Thùy Tiên cũng bị "réo tên" khi tham gia quảng cáo cho kẹo rau Kera - sản phẩm hợp tác cùng Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục. Cô từng quáng bá sản phẩm này là giải pháp tiện lợi, bổ dưỡng, đạt nhiều chứng nhận về chất lượng, phù hợp với trẻ em và người lớn.
Vụ việc bắt đầu gây chú ý khi một người dùng TikTok có tên tài khoản là S.T.A.C đăng tải video chia sẻ việc mua kẹo rau củ của hãng Kera. Theo tài khoản S.T.A.C, dù được quảng cáo là "1 viên kẹo tương đương với 1 đĩa rau" nhưng trên bao bì sản phẩm không ghi rõ hàm lượng chất xơ.

Kết quả kiểm nghiệm phát hiện kẹo rau củ Kera chứa Sorbitol - một chất tạo ngọt nhân tạo.
Để làm rõ hàm lượng chất xơ trong kẹo Kera, anh đã đem sản phẩm đi thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia). Kết quả cho thấy, trong 100g kẹo Kera chỉ có 0,51g chất xơ. Nghĩa là, mỗi viên kẹo (3,2g) chỉ có 0,016g chất xơ. Ngay cả khi ăn hết 1 hộp kẹo 30 viên (149 nghìn đồng), hàm lượng chất xơ vẫn thấp hơn 1 nửa quả chuối.
Đến nay, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các sản phẩm thực phẩm có chứa Sorbitol phải ghi rõ trên nhãn và có dòng cảnh báo tiêu thụ quá nhiều có thể gây tác dụng nhuận tràng.
Ngay sau khi clip của S.T.A.C được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người dùng đã đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ Kera.
Bên cạnh đó, có một bộ phận người xem "tấn công", cho rằng chính nam Tiktoker là người "khơi mào" vụ kẹo rau Kera, đẩy Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đến kết cục bị điều tra, khởi tố.
Sau đó S.T.A.C đã đăng tải video xin lỗi về việc tự ý đưa sản phẩm kẹo rau Kera đi kiểm định và công bố kết quả trên mạng xã hội. Anh thừa nhận, việc tự ý kiểm định và công bố kết quả có thể gây rủi ro pháp lý.
Liên quan đến sự việc trên, câu hỏi đặt ra, liệu người tiêu dùng có được tự lấy mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng và công bố kết quả?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích, pháp luật hiện không có quy định cấm một cá nhân mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định, tổ chức đánh giá, kiểm định sản phẩm, hàng hóa là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố, áp dụng.
Theo Điều 19 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức có quyền cung cấp kết quả thử nghiệm cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng. Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho bên thứ ba, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định.
Như vậy, khi nhận thấy sản phẩm, hàng hóa mình mua không an toàn, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu tổ chức có chức năng thử nghiệm, giám định, kiểm định chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng. Kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định là cơ sở pháp lý để người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ của mình theo khoản 4, 5 điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Một kết quả kiểm nghiệm được công bố rộng rãi nếu kết quả thử nghiệm tốt sẽ là cơ sở để tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Nếu kết quả thử nghiệm được công bố cho thấy sản phẩm không tốt, không đáp ứng chỉ tiêu chất lượng đây sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra sản phẩm nếu thấy có dấu hiệu vi phạm chất lượng", Luật sư Hùng nói.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, người tiêu dùng cần nhìn nhận một cách khách quan kết quả kiểm nghiệm. Bởi kết quả kiểm nghiệm thường chỉ đại diện cho một mẫu thử nghiệm để cho ra kết quả đó chứ không mang tính đại diện, bao quát cho tất cả sản phẩm. Khi đó, việc công bố kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội sẽ giống như "con dao hai lưỡi" khi nó có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về bản chất của kiểm nghiệm.
Luật sư Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Việc tự công bố kết quả kiểm nghiệm khi lan truyền có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực, làm sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm, doanh nghiệp. Trong khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, việc “gắn mác kém chất lượng” cho sản phẩm có thể vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp – đặc biệt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay”.
Việc xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm (nhập từ nơi nào, có uy tín và đảm bảo chất lượng hay không), kết quả kiểm nghiệm do cơ quan chức năng tiến hành kiểm định. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi tin tưởng vào các thông tin chưa được kiểm chứng đầy đủ. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi chia sẻ thông tin liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Liên quan đến việc người nổi tiếng quảng cáo "lố" sản phẩm, theo các chuyên gia truyền thông, ngoài việc bổ sung, tăng nặng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe từ các cơ quan quản lý (tăng mức phạt, thu hồi giấy phép, truy thu thu nhập từ việc quảng cáo phi pháp, cấm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, hoạt động chuyên môn, hạn chế biểu diễn, cấm sóng…) thì rất cần đến "quyền lực" của công chúng.
Công chúng hoàn toàn có thể "nói không" với những người nổi tiếng lợi dụng lòng tin của người hâm mộ để quảng cáo "lố". Việc kiên quyết mạnh mẽ từ chối những người nổi tiếng có những phát ngôn hành xử không phù hợp đạo đức, pháp luật chính là công chúng đang thể hiện vai trò, trách nhiệm phù hợp với lợi ích chính đáng của mình và cộng đồng xã hội, góp phần tạo dựng đời sống văn minh, thượng tôn pháp luật.
Thanh Hiền