Nâng cao năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu

author 13:34 15/09/2023

(VietQ.vn) - Để đạt được và duy trì khả năng tiếp cận thương mại quốc tế và hội nhập vào thị trường trái cây toàn cầu, việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam là điều cần thiết.

Trong bối cảnh khả năng khai thác các cơ hội thương mại, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế của các nước đang phát triển thường bị thách thức bởi những khó khăn trong việc chứng minh sự tuân thủ các yêu cầu về chất lượng và các quy tắc thương mại. 

Một lý do cho điều đó thường là nguồn cung dịch vụ cơ sở hạ tầng có chất lượng còn yếu, nhưng đồng thời cũng là nhu cầu thấp đối với các dịch vụ đó, xuất phát từ việc thiếu năng lực tuân thủ của các chủ thể khu vực tư nhân. Các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể để đáp ứng và thể hiện sự tuân thủ các yêu cầu của thị trường.

Họ tiếp tục phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật đối với thương mại cản trở khả năng tiếp cận thị trường của họ. Các thủ tục kéo dài và bị từ chối tại cửa khẩu do không tuân thủ các yêu cầu của thị trường có thể dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho nhà sản xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). 

Cần nâng cao năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm trái cây. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, ông Bahramalian Nima - Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng UNIDO cho biết, tổng số trường hợp bị từ chối quả và quả hạch xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường lớn (Australia, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ) đã tăng 42% từ 24 trường hợp năm 2010 lên 34 trường hợp vào năm 2020; trong đó, thị trường Mỹ có tỷ lệ bị từ chối lớn nhất (67%), Australia, Trung Quốc và EU có tỷ lệ bị từ chối tương đương nhau (8 - 13%).

Nguyên nhân chính của các trường hợp bị từ chối của Việt Nam năm 2020 là nhiễm khuẩn (22%) và điều kiện/kiểm soát vệ sinh (18%). Các nguyên nhân khác gồm dư lượng thuốc thú y (13%), ghi nhãn (14%), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và phụ gia (7%).

Để hạn chế từ chối nhập khẩu như trên, ông Baharamakian Nima cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hệ thống giám sát an toàn thực phẩm quốc gia và phối hợp với tất cả các bên liên quan huy động tất cả các biện pháp kiểm soát chính thức. Tăng cường tuyên truyền về các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ cho sản xuất sơ cấp, ISO 22000, HACCP, SQF, IFS cho doanh nghiệp chế biến…

Đồng thời cần cải thiện năng lực kiểm soát chất lượng của công chức cũng như nông dân bằng cách cung cấp các khóa đào tạo về phân tích rủi ro vệ sinh thực phẩm và học cách áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) và Thực hành vệ sinh tốt (GHP) trong các chuỗi thực phẩm khác nhau…

“Tập trung vào việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, bằng cách cải thiện tính minh bạch chuỗi thực phẩm để tăng cường phát hiện sự hiện diện của thực phẩm không an toàn. Điều này cũng sẽ cho phép phát hiện các vấn đề, chẳng hạn như thiếu thông tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm”, ông Baharamakian Nima nói.

Thường xuyên có chương trình đào tạo nông dân, hợp tác xã đang cung cấp nguyên liệu; đào tạo kiến thức cho công nhân nhà máy. Nhờ vậy, chất lượng trái cây tốt hơn, đặc biệt là kiểm soát được bệnh tật, giảm tỷ lệ từ 10 - 12% xuống 3 - 5%, có lô hàng 0%.

Để cải thiện năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của trái cây cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng giống trái cây có khả năng chống bệnh, dễ bảo quản, vận chuyển và phù hợp với từng thị trường tiêu thụ tươi hoặc sản phẩm chế biến. Bên cạnh đó cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, cầu cảng, đặc biệt là hệ thống kho mát, logistics hiện đại, đồng bộ để giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, có chính sách thu hút nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp.

Việc nâng cao sức canh tranh và tính bền vững (rất cần thiết, phù hợp đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ) thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hướng đến thúc đẩy thương mại, xuất khẩu sản phẩm trái cây đi các thị trường xa (do được kéo dài thời gian bảo quản), thị trường bán lẻ hiện đại, phân khúc thị trường cao cấp…

Đồng thời nâng cao nhận thức về văn hóa chất lượng (sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đảm bảo quy trình, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn); Khuyến nghị những vấn đề chính sách quản lý đối với các lĩnh vực của ngành để hỗ trợ chuẩn hóa các quy trình, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây xuất khẩu Việt Nam.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang