Túi lọc trà: Túi đựng hóa chất

author 11:49 21/05/2013

(VietQ.vn) - Công nghệ chế biến trà túi hiện đại đang làm nóng lên các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Mù mờ chất lượng, nghi vấn chứa chất gây ung thư

Tờ The Atlantic của Mỹ vừa đưa thông tin về chất lượng túi lọc được sử dụng để đựng trà trong sản phẩm trà túi lọc hiện nay. Theo đó, tại khu vực Trung Đông, có hai loại đồ uống tràn ngập trên thị trường là trà và cà phê. Hầu hết các chuyên gia về sức khỏe đều cho rằng việc uống trà sẽ có lợi cho sức khỏe hơn là uống cà phê.
 
Tuy nhiên, công nghệ chế biến trà túi hiện đại đang làm nóng lên các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng hơn so với công nghệ truyền thống. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loai trà túi mới, chủng loại đa dạng và phần nào có nhiều công dụng hơn so với các loại truyền thống.
 
Những nhà tiếp thị cho loại trà túi lọc đã phát minh thêm những kiểu dáng lạ mắt và sử dụng các sợi vải để làm cho các sản phẩm của mình thêm nổi bật. Phần lớn những túi trà này được sản xuất từ nhựa dẻo như: ni-lông, sợi vít cô, nhựa dẻo, nhựa tổng hợp PVC hay nhựa polypropylene.
Thành phần làm túi trà lọc chứa hóa chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng  hay không đến nay vẫn đang còn gây tranh cãi
 
Nhựa dẻo thường rất dễ tan chảy nhưng các phân tử polime lại chỉ bị phân giải khi ở trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn. Bởi vậy, khi nhúng những túi trà này trong nước nóng, khả năng phân giải thành các chất độc hại cho sức khỏe của người uống là khá thấp. 
 
Những loại trà túi bằng giấy sau khi được xử lí với hóa chất epichlorohydrin (một hỗn hợp dùng để sản xuất nhựa epoxy) có thể còn độc hại hơn so với những loại bằng nhựa dẻo.
 
Hóa chất trên thậm chí còn được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu rất độc hại. Điều đáng lo lắng là người ta đã phát hiện ra trong bộ lọc cà phê, bộ lọc nước, dầu thực vật tinh chế và lạp xường có chứa chất độc nguy hiểm này. 
 
Theo trang Mercola, khi epichlorohydrin được trộn lẫn với nước, nó sẽ thủy phân tạo ra chất hóa học 3-MCPD – chất gây ung thư luôn luôn có trong quá trình chế biến thực phẩm, ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch của con người. Hiện vẫn chưa có cơ quan y tế nào đưa ra được thông tin về mức độ độc hại của chất độc tiềm ẩn này.
 
Hiện nay, các công ty sản xuất trà trên thế giới đều muốn cải tiến trong thiết kế trà túi lọc. Năm 2000, trào lưu từ bỏ sử dung túi lọc bằng giấy cho trà đã diễn ra. Từ đó, ý tưởng sản xuất túi lọc bằng nhựa được hình thành. Ý tưởng về một túi lọc trà làm từ nhựa đã vấp phải những phản ứng trái chiều, trong đó có việc túi lọc trà làm từ nhựa sẽ góp phần không nhỏ vào lượng rác thải khó phân hủy.
 
Túi lọc trà bằng nhựa còn gây tâm lý lo lắng trong người tiêu dùng về độ an toàn của nó. Các túi lọc trà nhựa thường được làm từ nylon thực phẩm hoặc polyethylene terephthalate (PET), là hai trong số các chất liệu nhựa an toàn nhất. Cả hai chất này đều có nhiệt độ nóng chảy rất cao nên khó gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
 
Ngoài ra, còn một mức nhiệt độ nóng chảy khác của nhựa cần quan tâm, đó là nhiệt độ “chuyển pha thủy tinh”. Đó là nhiệt độ mà một số chất như polyme bắt đầu phân hủy. Nhiệt độ “chuyển pha thủy tinh” của một chất luôn thấp hơn nhiệt độ tan chảy.
 
Đối với PET và nhựa nylon (lylon 6 hoặc lylon 6-6) thì nhiệt độ “chuyển pha thủy tinh” luôn thấp hơn nhiệt độ sôi của nước. Ví dụ, PET có nhiệt độ tan chảy là 482oF (250oC), còn nhiệt độ “chuyển pha thủy tinh” là 169oF (76oc). Cả lylon 6 và lylon 6-6 đều có nhiệt độ “chuyển pha thủy tinh” thấp hơn PET. (Nhiệt độ sôi của nước là 212oF (100oC). Do đó, các phân tử tạo nên túi lọc trà nhựa bắt đầu phân hủy trong nước nóng.
 
Tiến sĩ Ray Fernando, chuyên gia về polyme và chất phủ tại Đại học thực nghiệm California, Mỹ cho biết: “Khi polyme đi qua trạng thái chuyển pha, thì các chất khác dễ dàng thấm qua. Đối với một số người hiểu biết về nhựa thì cho rằng trong nhựa luôn có độc tố và khi nhựa bắt đầu phân hủy thì sẽ ngấm vào thực phẩm.”
 
Tuy hãng Lipton đã nhiều lần khẳng định rằng trà túi lọc Pyramid làm từ PET giống như các chất liệu nhóm thực phẩm, như chai nước, nước hoa quả …đều an toàn trong lò vi sóng. Nhưng sau đó, năm 2009, một nghiên cứ chỉ ra rằng các chai nước làm từ nhựa PET có chứa các chất độc estrogen. Các chất này có khả năng gây ung thư.
 
Nếu PET, chất mà Lipton đã sử dụng là túi lọc trà, được tìm thấy trong các chai nước này, thì công bằng mà nói chất độc trong các túi trà này sẽ thấm vào trà khi pha trà. Nghiên cứu này chỉ dừng lại ở nguyên liệu làm túi lọc trà là PET, như vậy câu hỏi đặt ra là liệu nylon có tiềm ẩn nguy cơ như vậy không?
 
Stephen Lester, Giám đốc Trung tâm sức khỏe, môi trường và tư pháp cho biết, người tiêu dùng không có cách nào để nhận biết được các sản phẩm nhựa an toàn. Hiện nay, việc kiểm tra mức độ phthalates trong túi trà làm từ nhựa cách dễ thực hiện. Tuy nhiên, các cơ quan đầu ngành của Mỹ như Trung tâm Y tế Môi trường Tư pháp và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh lại không có một nghiên cứu nào về độc tính của trà túi nhựa.
 
Hiện nay, nhiều công ty trà nổi tiếng của Mỹ như: Tea Forte, Numi… không đề cập đến việc các túi lọc trà được làm từ nhựa hoặc nhấn mạnh việc không sử dụng túi lọc trà làm từ nhựa để quảng cáo sản phẩm trà túi lọc của mình.
 
Việt Nam bán tràn lan
 
Trên thị trường hiện nay, có tới hàng trăm loại trà túi lọc khác nhau. Trong đó có tới một nửa là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Một nửa còn lại là sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Về mẫu mã của sản phẩm từ thiết kế hình dáng, trọng lượng, bao gói, màu sắc… sản phẩm, doanh nghiệp trong nước chẳng thua kém các doanh nghiệp nước ngoài là mấy.
 
Thị phần nhỏ, tiếp thị kém, công nghệ lạc hậu, sản xuất quy mô nhỏ và vốn ít là những hạn chế mà các doanh nghiệp sản xuất trà túi lọc trong nước đang phải đối mặt và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Thị trường trà túi lọc hiện nay cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các loại sản phẩm với các nguyên liệu và hương vị khác nhau. Từ những nguyên liệu thường thấy như lá trà, cây atiso, lài, sen, hoa hòe, hoa cúc, đinh lăng, đào, táo, gừng, khổ qua… cho đến các nguyên liệu cao cấp và đắt đỏ hơn như sâm, linh chi… cũng đã được nghiền nhỏ và đóng thành gói trà túi lọc.
Tại Việt Nam, túi lọc trà này được bày bán phổ biến. Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang sử dụng loại túi này
Tại Việt Nam, túi lọc trà này được bày bán phổ biến. Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang sử dụng loại túi này
 
Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, các loại trà túi lọc thông thường có giá từ vài chục ngàn cho đến hơn trăm ngàn. Với các loại cao cấp hơn, bao gói sang trọng hơn giá có thể lên đến cả triệu đồng. 
 
Cụ thể như một hộp trà bắc túi lọc Thăng Long ướp sen 25 x 2g giá 25.000 đồng/hộp, trà lài 20 túi lọc giá 13.500 đồng/hộp, trà khổ qua 20 túi lọc giá 13.500 đồng/hộp, trà Hà Thủ Ô hộp 50 túi lọc 42.000 đồng/hộp, trà Hà Thủ Ô hộp 20 túi lọc giá 17.000 đồng/hộp, trà tim sen hộp 20 túi lọc giá 18.000 đồng/hộp, trà Atiso túi lọc với 20 túi giá 23.000 đồng/hộp, trà Atiso thượng hạng 20 túi lọc Vĩnh Tiến giá 21.000 đồng/hộp.
 
Cùng với các sản phẩm có giá cả như trên hiện cũng có không ít các loại trà túi lọc với hộp lớn, nhiều gói hơn và giá cả cũng cao hơn. Điển hình như trà Diệp Hạ Châu 100 túi lọc Vĩnh Tiến giá 69.000 đồng/hộp, trà Hà Thủ Ô gói 100 túi lọc hiệu Vĩnh Tiến 60.000 đồng/hộp, trà linh chi gói 100 túi lọc 94.000 đồng/hộp, trà lipton túi lọc 100 gói giá 103.000 đồng…
 
Những sản phẩm trà túi lọc như trà sen, trà lài, trà gừng, trà ô long, atiso, trà đào, trà khổ qua, … là những cách gọi cho “sang mồm” còn thực tế những thành phần của sen, lài, gừng, atiso, đào, khổ qua… có bao nhiêu trong một gói trà túi lọc thì đố người tiêu dùng nào biết được.
 
Người tiêu dùng có quyền nghi ngờ điều đó bởi trong điều kiện hiện nay để mua được hương liệu và chất tạo màu “y chang” nguyên liệu gốc là điều không khó. Chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn là có thể mua được cả cân, cả lít các hương liệu trà, hương hoa, chất tạo màu.
 
Người tiêu dùng cũng có quyền đặt câu hỏi, những sản phẩm như linh chi, sâm nhung… vốn là những dược liệu quý, giá rất đắt đỏ, có thể đến vài triệu đồng/kg, khi đưa vào sản xuất gói trong trà túi lọc thì có bao nhiều phần trăm là những thảo dược ấy?
 
 Theo một chuyên gia trong sản xuất trà túi lọc (xin dấu tên), nếu là trà sen, trà xanh truyền thống có nhiều ở các vùng núi phía Bắc hoặc atiso ở Đà Lạt (Lâm Đồng)… đem sản xuất và gọi tên trà sen túi lọc, trà túi lọc atiso thì có thể tin vì các nguồn nguyên liệu ấy ở Việt Nam rất phong phú. 
 
Còn các sản phẩm trà khác như trà sâm, linh chi, sâm ngọc linh, hải sâm, … không những các dược liệu đó rất quý mà còn rất đắt và hiếm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ đưa những nguyên liệu quý, hiếm và đắt đỏ vào trà túi lọc là rất ít. Thậm chí đó chỉ là hương liệu được tẩm ướp cho có mùi vị.
 
Ngoài ra, hiện nay người tiêu dùng cũng đang đứng trước những thách thức về chất lượng bao gói của trà túi lọc. Đặc biệt với những hộp trà các túi lọc được gói chung trong gói nilon, khi bóc ra để dùng cũng đồng nghĩa các gói khác bị hở, tiếp xúc với nhiệt độ, độ ẩm bên ngoài, rất dễ bị mốc, bị bay mùi và ngả màu. 
 
Hoặc có những loại như trà Lipton thường không có bao gói giấy hoặc nilon bên ngoài, chỉ có gói trà túi lọc bên trong hộp. Khi hộp được mở cũng đồng nghĩa với việc các gói khác nếu không dùng nhanh sẽ có nguy cơ bị ẩm mốc và nếu dùng sẽ nguy hại tới sức khỏe.
 
Đặc biệt, hiện nay các sản phẩm túi lọc trà ở trong nước chưa sản xuất được mà thường nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Khi hỏi thành phần của các túi lọc đó là gì, bản thân các doanh nghiệp chuyên cung cấp máy móc, giấy gói trà túi lọc chỉ biết có hai dạng, một là giấy túi lọc và một dạng là cotton.
 
Trong khi đó, khi hỏi các doanh nghiệp phân phối túi lọc trà đến doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trà túi lọc, tất cả họ đều không biết túi lọc trà làm từ gì, chất lượng ra sao.
 
Doanh nghiệp… không biết gì cả!
 
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, có hai loại chất liệu chính làm ra túi lọc trà là từ giấy và cotton. Những phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được, các doanh nghiệp thường nhập hàng về từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
 
Trên các website bán hàng trực tuyến mư muaban, muachung, raovat, rongbay, enbac, chodientu…các doanh nghiệp quảng cáo bán máy đóng gói, giấy làm túi cho trà túi lọc rất rầm rộ. Các loại phụ liệu như giấy, cotton… làm túi lọc trà bán theo cuộn và tính giá theo “m” dài. Thông thường có các kích cỡ như khổ 100 mm, 125 mm, 140 mm, trọng lượng 21g, 23g (23g dùng cho cà phê túi lọc).
 
Theo tư vấn của nhân viên kinh doanh Công ty TNHH MTV Máy móc thiết bị Tân Quốc H. có địa chỉ tại TP.Hồ Chí Minh giá giấy túi lọc trà rẻ hơn các loại khác và rơi vào khoảng từ 110.000 – 1 triệu đồng/ cuộn. Khi cân các cuộn giấy lọc đó lên, 1kg tương đương với khoảng 170 ngàn đồng. Với 1 kg giấy túi lọc trà, có thể sản xuất được từ 1.500 – 2.000 túi lọc trà với kích cỡ gói thông dụng đang có trên thị trường hiện nay.
Chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định loại túi lọc này không gây hại đến người sử dụng
Chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định loại túi lọc này không gây hại đến người sử dụng
 
Theo nhân viên tư vấn bán hàng của Công ty Công nghệ máy Việt Trung, địa chỉ tại Trương Định Hà Nội cho biết, khách hàng khi lựa chọn túi lọc trà bằng giấy của Trung Quốc nên thận trọng bởi hàng nhập về có rất nhiều loại khác nhau. Trong đó có những loại kém chất lượng, không có độ dai, dễ bị bục, có tạp chất trong sản phẩm và không đạt chất lượng do FDI quy định.
 
Còn theo Công ty TM và chuyển giao công nghệ Kiêm Cường tại TP. Hồ Chí Minh, trên thị trường có rất nhiều phụ liệu để làm bao gói cho trà túi lọc, trong đó giấy lọc trà phổ biến hơn cả ở Việt Nam. Các nước trên thế giới gần như không mấy khi dùng giấy lọc trà nữa vì không đảm bảo chất lượng mà chuyển sang dùng các sản phẩm khác như cotton hoặc nhựa tổng hợp.
 
Khi PV Chất lượng Việt Nam hỏi về chất lượng của các phụ liệu làm túi lọc trà đó ra sao? Hầu các doanh nghiệp cũng cho rằng, từ trước đến nay chẳng có cơ quan nào hỏi điều đó và thấy thị trường có nhu cầu là nhập về bán chứ các nhà máy tiêu thụ cũng không quan tâm lắm tới điều đó.
 
Cùng với sự mù mờ về thông tin phụ liệu túi lọc dùng bao gói khi sản xuất trà túi lọc, bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm trà túi lọc hàng đầu ở Việt Nam như Lipton, Dilmah, Tâm Lan, Đại Gia, Kim Anh…. Đều cho biết chất lượng sản phẩm trà túi lọc đã được công bố tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế và an toàn.
 
Tuy nhiên, thực tế theo tìm hiểu của PV, tất cả các sản phẩm đó mới chỉ kiểm tra, kiểm nghiệm về thành phần các loại trà, còn về túi lọc gần như chưa được kiểm tra, kiểm nghiệm.
 
Điển hình như khi liên hệ với hãng trà túi lọc Dilmah tại Việt Nam về cảnh báo chất lượng túi lọc trà, nhân viên kinh doanh của hãng này nói rằng sản phẩm được nhập từ nước ngoài 100%, ở Việt Nam chỉ bán mà không sản xuất.
 
“Hàng nhập từ nước ngoài về, các giấy tờ công bố chất lượng đã được cơ quan y tế Việt Nam kiểm tra, kiểm nghiệm, sau đó sản phẩm phù hợp mới được lưu hành. Còn về bao gói có đảm bảo chất lượng hay không thì không thể biết được”, nhân viên kinh doanh của hãng trà túi lọc Dilmah nói.
 
Cùng với Dilmah, các doanh nghiệp như Vĩnh Thuận, Đại Gia, Vĩnh Tiến, Tâm Lan, Kim Anh… đều cho biết không biết chất lượng của túi lọc trà như thế nào. Cụ thể như chủ cơ sở sản xuất trà atiso Vĩnh Thuận ở Lâm Đồng còn cho rằng: Không biết gì cả, chỉ biết các cơ sở khác làm vậy thì làm theo.
 
Lời khuyên tốt nhất để tự bảo vệ sức khỏe là người tiêu dùng nên mua trà từ các nhà sản xuất mà xác định trong sản phẩm của họ không hề có chứa hóa chất epichlorohydrin hoặc lựa chọn loại trà rời để thưởng thức.
 

Nguyễn Nam – Lê Hạnh
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang