Tuyên Quang đánh giá hồ sơ doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

author 11:47 28/06/2022

(VietQ.vn) - Mới đây tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị đánh giá hồ sơ tham dự giải năm 2022.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, năm 2022, Tuyên Quang có 1 doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là Công ty TNHH một thành viên Cơ khí – Hóa chất 13 (Nhà máy Z113).

Đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và lĩnh vực sản xuất kinh tế với các sản phẩm mũi khoan khai thác, máy cưa thép, thuốc nổ công nghiệp, quả cầu chữa cháy... Qua đánh giá 7 tiêu chí, Nhà máy Z113 đáp ứng tốt yêu cầu để tham gia giải thưởng. 

Những năm qua, Nhà máy Z113 có 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1990; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2008; Huân chương Quân công hạng Nhì năm 2017… Việc tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm…

Tuyên Quang tổ chức Hội nghị đánh giá hồ sơ tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022. Ảnh: Sở KH&CN Tuyên Quang

Theo đó, 100% thành viên Hội đồng sơ tuyển thống nhất với thang điểm đánh giá Công ty TNHH một thành viên Cơ khí – Hóa chất 13 và đồng ý để đơn vị hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2022 xem xét.

Trước đó tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ 02 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; trên 70% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá của Tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu này, Kế hoạch xác định 05 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm tổ chức thực hiện và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; thông tin, tuyên truyền về năng suất, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Cùng với đó là các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng và tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND Tỉnh quản lý và triển khai thực hiện Kế hoạch; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang còn ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhiều doanh nghiệp được tỉnh Tuyên Quang tăng cường hỗ trợ kiến thức về năng suất chất lượng. Ảnh minh họa 

Trên cơ sở mục tiêu chung, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương.

Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng cho trên 500 lượt người thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp; đào tạo về chuyên gia năng suất, chất lượng cho ít nhất 10 người thuộc các sở, ngành, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có 30 doanh nghiệp trở lên được hỗ trợ các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cũng theo Kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu 50% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thuỷ sản, thực phẩm trên địa bàn Tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hoá và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang