Tuyên Quang phát hiện và xử lý nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 06:20 17/05/2024

(VietQ.vn) - Thời gian qua lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tuyên Quang đã liên tiếp phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua công tác nghiệp vụ, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh sữa bột, bỉm H.T, địa chỉ tại phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh gần 50 sản phẩm thực phẩm sữa dành cho trẻ em không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có giá trị gần 20.000.000 đồng, chủ cơ sở là bà N.T.Q.T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm hàng hóa nói trên trên. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi xác minh, Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định xử phạt đối với Hộ kinh doanh N.T.Q.T do bà N.T.Q.T với số tiền: 12.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa thực phẩm dành cho trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ dưới sự giám sát của cơ quan QLTT theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện và xử lý. Ảnh: Cục QLTT Tuyên Quang

Trước đó thực hiện việc khám phương tiện, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang và Phòng Cảnh sát kinh tế và Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên phát hiện trên thùng xe có 31 bao tải dứa chứa tổng số 1,4 tấn hàng là mỡ lợn đông lạnh có giá trị khoảng 50 triệu đồng.

Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa không có thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với hàng hóa. Lái xe là ông Phùng Văn Anh, sinh năm 1991, trú tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến lô hàng.

Liên quan tới công tác phòng chống và ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn, theo kết quả báo cáo của Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang trong những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 146 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Trong đó có 01 đoàn tuyến tỉnh, 07 đoàn tuyến huyện, thành phố và 138 đoàn tuyến xã.

Kết quả các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 1.378 cơ sở (22 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 1.153 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 186 cơ sở dịch vụ ăn uống, 17 cơ sở thức ăn đường phố). Trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát,...Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn đã phát hiện và xử phạt 15 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 96.000.000 đồng, yêu cầu các cơ sở tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Ông Lê Xuân Vân, Trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết, theo thống kê của Ban Chỉ đạo kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, gần 1.600 quầy hàng kinh doanh đồ ăn đường phố. Toàn tỉnh có 265 bếp ăn tập thể do ngành Y tế quản lý, theo dõi trong đó có 258 bếp ăn trường học, 7 bếp ăn doanh nghiệp.

Triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Những lỗi mà các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm thường mắc phải đó là sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm hết hạn sử dụng, sử dụng chất phụ gia, hỗ trợ chế biến không được phép sử dụng hoặc sử dụng quá liều lượng… Đây cũng chính là những nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến các nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng, người dân cần chủ động trong các khâu bảo quản thực phẩm, tránh sử dụng các loại thực phẩm đã ôi, thiu, hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc. 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có rất nhiều tác hại mà người dùng không thể biết như về chất lượng, hạn sử dụng, vì trên nhãn hàng hóa không thể hiện được nội dung. Vì vậy, không thể xác định ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng khi hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng, và cũng không thể xác định người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Do đó, để tránh các mối nguy từ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin về sản phẩm trên nhãn hàng hóa, như thông tin về nhà sản xuất, thành phần trong sản phẩm, ngày sản xuất, ngày hết hạn… Người tiêu dùng nên mua thực phẩm từ các điểm bán hàng uy tín, không nên mua thực phẩm từ các nguồn trôi nổi, không đáng tin cậy. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác trước các sản phẩm giá quá rẻ so với nhiều sản phẩm cùng loại, vì thường những loại này không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc có thể là hàng giả, hàng kém chất lượng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang