Ứng dụng công nghệ 4.0 giải quyết hạn chế của nông nghiệp Việt Nam

author 06:51 26/11/2018

(VietQ.vn) - PGS.TS Đặng Văn Đông cho rằng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 có thể góp phần giải quyết những hạn chế còn tồn tại nhiều năm nay của nền nông nghiệp Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2013-2018, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,55%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân 5 năm trước. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/người, tăng gần 10 triệu đồng/người so với năm 2012.

Các kết quả trên đạt được là nhờ sự đóng góp rất lớn của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong sản xuất rau hoa quả từ khâu sản xuất cho đến quản lý chuỗi sản phẩm và thương mại hóa.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Rau quả cho hay, Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển rau, hoa quả, kể cả các loại ôn đới và nhiệt đới. Trong những năm qua, sản xuất rau quả của Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Sản xuất rau quả của Việt Nam thời gian qua có nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Ảnh: Bộ NN&PT 

Giá trị xuất khẩu rau và hoa những năm gần đây có sự tăng trưởng đột biến. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2016 là 32,7% năm. Năm 2017 xuất khẩu rau, hoa quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016, trong đó, xuất khẩu trái cây chiếm 80%, rau, hoa chiếm 20%.

“Tuy nhiên, thành tựu đạt được của ngành rau quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chúng ta còn thiếu các bộ giống tốt, các công nghệ mới áp dụng chưa nhiều, năng suất còn thấp, chất lượng chưa cao”, PGS.TS Đặng Văn Đông cho hay.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Rau quả Việt Nam, hiện công tác tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm rau quả nói riêng và sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế, sự liên kết giữa các thành phần trong chuỗi liên kết chung chưa được quan tâm chú ý. Bên cạnh đó, sự phối hợp, hợp tác của các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học công nghệ thông tin, khoa học nông nghiệp chưa được phát huy.

Đồng quan điểm trên, NGND. GS. Nguyễn Quang Thạch – Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Việt Nam hiện còn một số tồn tại như chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí vật tư quá cao (11 triệu tấn phân bón, 600-700 triệu USD thuốc BVTV), sử dụng quá nhiều nước nên hiệu quả thấp.

Mặt khác, bình quân diện tích đất nước nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% so với trung bình của thế giới, chất lượng lao động nông nghiệp thấp, lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ đạt 11,2% nên năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1-1,5% so với các nước phát triển...

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp

PGS.TS Đặng Văn Đông cho rằng, để giải những bất cập trên rất cần ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất rau quả nói riêng và cho cả nền nông nghiệp nói chung. Theo vị này, nông nghiệp 4.0 ra đời là kết quả của quá trình kết hợp những thành tựu trong công nghiệp với sự phát triển của nền nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture).

Những thành tựu này bao gồm cả hệ thống cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp được số hóa, kết hợp cùng công nghệ thông tin được áp dụng vào truyền tải dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo, GPS, Logistic trong việc thúc đẩy quá trình tối ưu hóa sử dụng phương tiện cơ giới, trang thiết bị tự động hóa nhằm giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất.

Cụ thể, khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, các cơ sở dữ liệu sẽ được đưa vào thông qua hệ thống thiết bị kết nối cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất. Hệ thống GPS được áp dụng vào trong lĩnh vực logistic nhằm nâng cao hiệu quả chi phí vận chuyển, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

NGND.GS Nguyễn Quang Thạch – Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam. Ảnh: báo KH&PT

Thông tin thị trường được cập nhật liên tục, kết hợp mô hình sản xuất liên kết tạo ra hiệu quả trong xây dựng và thiết kế mùa vụ, tạo định hướng cho quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

“Để đi đến thành công trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp phải đi từ đơn giản tới phức tạp và rất cần sự tham gia, phối hợp của các nhà nghiên cứu lập trình về công nghệ thông tin, tự động hóa, các nhà khoa học nông nghiệp và các doanh nghiệp, chủ trang trại, người dùng.

Đồng thời, cần có sự đầu tư mang tính đồng bộ cùng sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan, phát triển theo định hướng đi tắt đón đầu, tận dụng kết quả từ các mô hình nông nghiệp 4.0 trên thế giới để áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam”, ông Đông nói.

Ngoài ra, PGS.TS đề xuất phía Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa để khuyến khích các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, người dân tham gia ứng dụng công nghệ 4.0. Tăng cường phối kết hợp giữa các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để ngày càng hoàn thiện phần mềm chương trình ứng dụng 4.0 vào sản xuất rau, hoa quả nói riêng và nông nghiệp nói chung sao cho đơn giản, dễ sử dụng; Cần tăng cường thông tin phổ biến về tác dụng của ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp để mọi người hiểu đúng vai trò, ý nghĩa của chương trình này, từ đó lên kế hoạch ứng dụng cho mình.

Hán Hiển

Startup trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp phải chọn bản sắc vùng miền và tính toán thông minh(VietQ.vn) - Theo lời khuyên của chuyên gia, các startup trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp cần phải lựa chọn bản sắc của từng vùng miền và có những tính toán thông minh.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang