Ứng dụng công nghệ số để tăng năng suất lao động

author 15:41 11/12/2023

(VietQ.vn) - Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, việc phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành Công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam - Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm Công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43% và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Hùng, phát triển ứng dụng số cho các ngành cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020.

"Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng tăng năng suất lao động thì nay lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Hùng cũng cho biết, năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.

 Ảnh minh hoạ

"Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gen là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. 

Chúng ta phát triển Công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ USD, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ USD, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số thì trên 20.000 tỷ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp Chuyển đổi số, Công nghiệp Chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, Chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.

"Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Sẽ đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chip bán dẫn

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN), việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến bán dẫn, là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành này trong thời gian tới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực.

Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này. Mỗi loại chip đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần lực lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu. Trước những cơ hội và thách thức trên, Bộ KH&CN xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, đồng thời phối hợp với các bộ ngành khác bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Theo đó, Bộ KH&CN sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng lab tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến bán dẫn.

Thứ hai, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài. Bộ KH&CN khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về KH&CN. Từ đó, sẽ tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Thứ ba, ưu tiên triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Theo ông Nguyễn Phú Hùng, từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên chúng ta chưa triển khai được một cách triệt để.

Tới đây, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Các doanh nghiệp có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC… và các viện, trường có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Qua đó, tạo ra hệ sinh thái giữa các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất, từ khâu thiết kế, đến chế tạo sản phẩm.

Thứ tư, Bộ KH&CN sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang