Ứng dụng số cho Diễn đàn Tôm Việt - góp phần phát triển ngành tôm bền vững

author 15:41 25/03/2022

(VietQ.vn) - Việc ra đời ứng dụng số cho Diễn đàn Tôm Việt cung cấp thông tin thị trường hằng ngày, giá cá tôm thương phẩm, tôm giống, vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm ở các địa phương. Đây cũng là nơi cung cấp, trao đổi kiến thức, kỹ năng nhằm giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu rủi ro, góp phần xây dựng và phát triển ngành tôm bền vững.

Ngày 25/3/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam chính thức ra mắt "Ứng dụng số cho Diễn đàn Tôm Việt".

  Bấm nút khai trương Ứng dụng số cho Diễn đàn Tôm Việt.

Diễn đàn Tôm Việt là sáng kiến của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam trong khuôn khổ triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam- SusV” và dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Đông Nam Á- GRAISEA”, dự án do Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Thụy Điển, OXFAM tài trợ.

Từ năm 2016, Diễn đàn tôm Việt đã trở thành sự kiện thường niên do Tổng cục Thủy sản, ICAFIS, OXFAM, WWF Việt Nam tổ chức nhằm chia sẻ, thảo luận và đưa ra giải pháp trong phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam liên quan đến khoa học công nghệ, chính sách, mô hình nuôi, thị trường, nông nghiệp hữu cơ và những vấn đề bức thiết của ngành.

Bên cạnh diễn đàn trực tiếp (offline), diễn đàn trực tuyến (online) thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo cũng được thiết lập nhằm chia sẻ và thảo luận các thông tin về giá tôm hàng ngày, thị trường tôm, kỹ thuật nuôi tôm, chính sách mới… Tuy nhiên, các nền tảng này khó tra cứu lại dữ liệu cũ, hạn chế về số lượng thành viên, dữ liệu sau một thời gian sẽ mất...

Để diễn đàn hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia trong ngành tôm, các đơn vị đã phối hợp xây dựng và phát triển “Ứng dụng số” cho Diễn đàn Tôm Việt trực tuyến trên 2 nền tảng IOS và Android với nhiều tính năng trên điện thoại thông minh.

Ông Đinh Xuân Lập- Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững cho biết, ứng dụng số cho Diễn đàn Tôm Việt trực tuyến có nhiều ưu điểm vượt  trội: App tôm có ưu điểm không hạn chế số lượng thành viên (chỉ ở Việt Nam); giao diện liên lạc để các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm (tương tự Zalo). Có chuyên mục riêng về giá tôm hằng ngày, video hướng dẫn kỹ thuật ngành tôm - kho tài liệu kỹ thuật ngành tôm - thông tin thị trường tôm thế giới - chính sách ngành tôm (thông tin có thể truy cứu không giới hạn thời gian).

Khẳng định tôm giữ vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản và còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, ngành tôm Việt Nam hiện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch bệnh, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu...

Việc ra đời ứng dụng số cho Diễn đàn tôm Việt cung cấp thông tin thị trường tôm hằng ngày, giá cá tôm thương phẩm, tôm giống, vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm ở các địa phương. App tôm còn là nơi cung cấp, trao đổi kiến thức kỹ năng nhằm giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu được rủi ro đối với người nuôi tôm, góp phần xây dựng và phát triển ngành tôm bền vững- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 45% giá trị xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm tôm được xuất khẩu trên 160 quốc gia trên thế giới, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 1,35 triệu lao động. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm.

Diện tích tôm nước lợ thả nuôi năm 2021 ước đạt 740 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 630 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 110 nghìn ha.

Ngành tôm Việt Nam có sự phát triển nhanh, tuy nhiên vấn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như môi trường nuôi có nhiều biến động biến động; giá thành sản xuất tôm còn cao và bấp bênh; mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang