Uống rượu bia tạo ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người

author 06:34 07/11/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo việc uống rượu bia có liên quan tới nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như rối loạn thần kinh, các bệnh không lây nhiễm chính, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rượu, bia là một yếu tố gây trở ngại sự phát triển bền vững ở ba khía cạnh sức khỏe, kinh tế và xã hội. Bảng thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới lần thứ 10 (ICD10), rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 bệnh tật và tình trạng thương tích; được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo việc uống rượu bia có liên quan tới nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như rối loạn thần kinh, các bệnh không lây nhiễm chính, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, rượu bia đang gây tác hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Hiện không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe trong sử dụng rượu, bia.

Sử dụng rượu bia dù ít (12,5g cồn/ngày tức là nhỏ hơn việc uống 1 lon bia 330ml) vẫn có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư (vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng) và có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác (tụy, máu, tế bào bạch cầu...), làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc. Sử dụng rượu bia còn gây rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân gây ra các bệnh tiểu đường, mỡ máu...

Đặc biệt, sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng đối với người vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi (chậm phát triển não bộ, tăng nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn, tự tử, sát thương, giảm sút kết quả học tập...).

Tại Việt Nam, tình trạng tiêu thụ rượu bia ngày một tăng. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố, lượng tiêu thụ rượu bia tăng trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Hơn nữa, tình trạng sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, pha cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ ngộ độc, làm hàng chục người tử vong trong những năm qua. Thậm chí, nếu so với hút thuốc lá thì hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn rất nhiều, trong đó có cả bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới.

Ảnh minh họa

Liên quan tới việc quản lý sản phẩm rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2017.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã.

Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang