Sử dụng rượu sản xuất trái phép chứa methanol độc hại nhiều người tử vong ở Nga

author 15:32 11/10/2021

(VietQ.vn) - Các nhà chức trách Nga cho biết, hiện đã có rất nhiều nạn nhân liên quan tới vụ ngộ độc hàng loạt do sử dụng rượu sản xuất trái phép.

Các nhà điều tra ở vùng Orenburg ở Tây Nam nước Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự sau khi nhận được báo cáo bắt đầu có người chết vì ngộ độc rượu trong tuần vừa qua.

Hãng thông tấn TASS đưa tin, cho đến nay, cảnh sát đã bắt giữ 10 người trong các cuộc điều tra về sản xuất và bán rượu bất hợp pháp.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời chính quyền địa phương Orenburg cho biết: “Có 67 nạn nhân liên quan đến vụ ngộ độc hàng loạt do sử dụng rượu sản xuất trái phép, trong đó có 34 người đã chết''. Hiện có 7 người đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng và 4 người trong số họ đang phải thở máy''.

Trước đó, vào ngày 9/10, cảnh sát địa phương đã thu giữ 2.000 chai rượu và phát hiện rượu có chứa chất methanol độc hại. Chất này cũng được tìm thấy trong thi thể nạn nhân với nồng độ cao gấp từ 3-5 lần so với lượng đủ để gây chết người, theo thông tin từ giới chức địa phương.

 Nhiều người bị ngộ độc rồi tử vong do sử dụng rượu chứa methanol độc hại tại Nga. Ảnh: Lao Động

Cũng theo các nhà điều tra, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc ngộ độc rượu hàng loạt ở Nga. Vào năm 2016, một sự kiện tương tự gây chấn động khi có tới 77 người đã chết ở Siberia vì uống đồ uống có cồn methanol, khiến giới chức Nga phải ra yêu cầu tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất và buôn bán đồ uống, thuốc men, nước hoa và những chất lỏng khác chứa nồng độ cồn cao.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019 từng cho biết, người Nga vốn nổi tiếng là sử dụng rượu nhiều nhất thế giới, nhưng mức tiêu thụ đã giảm xuống trong những năm gần đây, giảm 43% trong khoảng từ năm 2003 đến năm 2016. Và điều này giúp dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về tuổi thọ.

Liên quan tới rượu chứa methanol, các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec cho biết, methanol còn được gọi là carbinol, methyl alcohol, alcohol gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methyl alcohol,...

Methanol tức rượu methyl là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước. Rượu methanol là một chất lỏng với mùi đặc trưng, hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).

Ở nhiệt độ phòng, methanol là một chất lỏng phân cực, được sử dụng như một chất chống đông, dung môi, nhiên liệu và một chất làm biến tính cho ethanol. Methanol cũng được sử dụng để sản xuất diesel sinh học thông qua phản ứng xuyên este hóa. Trong đời sống, methanol thường được sử dụng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính xe, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các loại bếp lò nhỏ,...

Thành phần chính của rượu uống là ethanol có công thức hóa học là C2H5OH, trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả 2 loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Trong khi ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường thì methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Không giống rượu ethanol, methanol nguyên chất có độc tính cao, không thích hợp để uống.

Vậy tại sao methanol độc mà lại làm rượu từ methanol? Thực tế vì lợi nhuận, người sản xuất ra rượu với chi phí rẻ, tạo ra các loại rượu có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc.

Khi uống rượu methanol, methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.

Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.

Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang