Uống rượu cũng cần có… văn hóa

author 20:16 07/01/2017

(VietQ.vn) - Những ngày cuối năm âm lịch luôn là dịp để mọi người gặp gỡ nhau “tổng kết” một năm với bao lo toan vất vả. Những cuộc hội ngộ ấy không thể không uống rượu. Nhưng rượu cũng là nỗi khiếp đảm của bao người.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn được xếp trong top các quốc gia uống rượu nhiều nhất thế giới. Mỗi năm, người Việt tiêu tốn khoảng 300 triệu lít rượu và hàng tỉ lít bia. Theo thống kê của Bộ y tế, 77,3% đàn ông Việt sử dụng rượu bia. Tỉ lệ này gấp 2 lần mức trung bình của thế giới. Điều đáng nói là, việc uống rượu bia đã để lại không ít hệ lụy

Văn hóa uống rượu…

Bất cứ một bữa tiệc nào của người Việt cũng không thể thiếu rượu. Chén rượu là yếu tố cốt lõi để cho các bữa tiệc trở nên sôi động, vui tươi hơn. Người ta mời dự đám cưới, đám hỏi, dự các cuộc gặp mặt, câu nói cửa miệng là: “đi uống rượu”.

Uống rượu cũng cần có…văn hóa
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc uống rượu đã trở thành một thói quen đáng sợ của đàn ông Việt. Mượn lời người xưa cho rằng: “Trai vô tửu như kỳ vô phong”, các đệ tử Lưu Linh thường lấy rượu làm “thước đo” cho sự nhiệt tình khi tiếp bạn bè. Càng uống nhiều, mời nhiều càng thể hiện sự hiếu khách, nhiệt tình của mình.

Gặp bạn bè, hoặc đối tác là phải say mới thể hiện sự chân thành. Nếu vì lý do gì đó mà không uống thì sẽ bị cho là thiếu tôn trọng, thiếu nhiệt tình… Đương nhiên, cứ uống là phải đầy chén, phải trăm phần trăm mới thích. Cứ gặp mặt là phải thật say, phải nôn ra mật xanh mật vàng mới…vui! Hình ảnh những người đàn ông mặt đỏ gay, ai cũng tranh nhau nói, tranh nhau mời rượu đã trở nên quen thuộc trong các bữa tiệc của người Việt.

Hầu như tất cả những người ngồi vào mâm rượu đều cố gắng tìm mọi lý do để “ép” đối tác uống rượu. Khi không mời được ai đó một chén thì không ít người tỏ ra khó chịu, tức tối. Đã có không ít vụ án đau lòng xảy ra chỉ vì hung thủ không mời được nạn nhân một chén rượu.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia làm tiêu tốn khoảng 250 tỷ đồng. Ngoài ra, không ít căn bệnh liên quan đến rượu ngày càng phổ biến tạo không ít áp lực cho xã hội.

Với nhiều người, rượu đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi được ai đó mời đi dự tiệc.

Uống rượu cần có văn hóa

Thực ra, uống rượu là một thói quen lâu đời của người Việt. Uống rượu khi ăn theo quan niệm của người xưa là sự hài hòa giữa âm và dương.

Đặc biệt ngồi nhâm nhi chén rượu, chia sẻ những câu chuyện đường đời là một thú tao nhã của những nhà nho xưa. Những “chén tạc chén thù” (chủ rót mời khách gọi là chén tạc, khách đáp lễ, rót mời chủ gọi là chén thù) khiến cho mối thâm tình trở nên ấp áp và gắn bó hơn.

Người xưa từng quan niệm “Vô tửu bất thành lễ”. Trong các nghi lễ của người Việt rượu là một phần không thể thiếu. Nó đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Uống rượu trở thành một thứ nghệ thuật ẩm thực của người xưa.


Tuy nhiên, việc cố ép bằng được người khác uống rượu đã làm cho văn hóa uống rượu của người xưa trở nên méo mó. Nó biến một nét văn hóa ẩm thực trở thành nỗi khiếp đảm của không ít người. Tại sao gặp bạn bè, người thân là cứ phải say? Uống cho thật say đâu phải là thước đo cho những mối tình thâm?

Có lẽ, các “thần rượu” ngày nay nên có một cái nhìn đúng đắn hơn về văn hóa uống rượu. Để mỗi cuộc gặp mặt thực sự là một cuộc vui, là dịp để bạn bè, thân hữu gặp mặt và tâm giao.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang