Uống thuốc nam sau khi bị chó hoang cắn, bé gái vẫn tử vong vì bệnh dại

author 06:01 31/08/2023

(VietQ.vn) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình vừa ghi nhận 1 ca tử vong do bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng mà cho uống thuốc nam.

Ngày 29/8/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại, được Bệnh viện Trung ương Huế trả về tại xã Hóa Thanh (huyện Minh Hóa).

Theo đó, trường hợp tử vong là nữ học sinh Ph.Th.B.V (SN 2015) ở thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh (Minh Hóa), có tiền sử mắc bệnh Thalassemia đang điều trị.

Theo lời kể của gia đình, cách đây gần 4 tháng gia đình anh Ph.X.Đ có một con chó hoang từ nơi nào không rõ đi đến nhà và gia đình đã giữ lại nuôi. Sau vài ngày nuôi thì con chó này đã cắn cháu Ph.Th.B.V, vết thương ở chân trái, chảy lượng máu ít. Sau đó anh Ph.X.Đ đã đánh chết con chó này. Trong vòng hơn 3 tháng qua bệnh nhân không có biểu hiện gì bất thường.

Bệnh dại chưa có thuốc điều trị, khi đã phát bệnh hầu như tử vong 100%. Ảnh minh họa

Ngày 21/8/2023, cháu Ph.Th.B.V vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị bệnh Thalassemia theo liệu trình điều trị. Trong quá trình điều trị Thalassemia đến ngày 25/8, phát hiện bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốt cao tăng tiết nước bọt, mệt mỏi, nhức đầu, sợ nước, sợ ánh sáng, co giật. Bệnh nhân được đưa đi làm xét nghiệm và được chẩn đoán bệnh dại. Bệnh nhân được chuyển vào khoa hồi sức cấp cứu để tiếp tục điệu trị. Đến 16h ngày 28/8/2023, bệnh nhân được Bệnh viện Trung ương Huế trả về, trên đường về bệnh nhân đã tử vong.

Theo điều tra dịch tễ, khoảng 4 tháng trước, bệnh nhân Ph.Th.B.V. bị chó hoang cắn. Sau khi bị chó cắn bệnh nhân không được xử trí vết thương, không tiêm vắc xin phòng dại, mà chỉ bốc thuốc nam ở Hà Tĩnh về uống.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho biết, đây là trường hợp thứ 3 tử vong do bệnh dại tại tỉnh Quảng Bình kể từ đầu năm 2023 đến nay. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa tiến hành điều tra, xác minh trường hợp trên tại thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh (huyện Minh Hóa). Đồng thời cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại cho gia đình và người dân tại địa bàn. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn; tuyệt đối không cho trẻ em tiếp xúc với chó, mèo hoang…

Đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố… đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa phối hợp chặt chẽ với Chi Cục thú Y huyện, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân quản lý tốt đàn gia súc trên địa bàn, khi bị súc vật (chó, mèo…) cắn cần tới ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị dự phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Bởi bệnh dại chưa có thuốc điều trị, khi đã phát bệnh hầu như tử vong 100%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000-70.000 người và hàng triệu loài động vật.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các vụ tử vong đau lòng do bệnh dại đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kiểm soát việc chó, mèo thả rông và tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo thấp. Với trên 2,5 triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, chiếm 2,25% dân số, cho thấy số người bị chó, mèo cắn vẫn rất lớn.

Nếu chính quyền các địa phương và ngành thú y không kiểm soát được bệnh dại trên động vật thì chi phí điều trị sẽ tiêu tốn gấp 150 lần so với phòng dịch trên động vật.

Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca), tăng 5 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Thú y, nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh dại gia tăng là tỷ lệ tiêm phòng cho chó mèo còn thấp. Tổng đàn chó, mèo của cả nước hiện đã lên tới gần 7 triệu con, trong khi tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40%. Hiện chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.

Bên cạnh đó, việc quản lý chó mèo còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng bệnh dại, bởi chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắcxin dại. Nhiều người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt dẫn đến tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm khá nhiều.

Theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vaccine dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Để phòng chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang