Ủy ban Tư pháp: Người dân thờ ơ với tham nhũng

authorMạnh Long 14:48 22/09/2016

(VietQ.vn) - Người dân ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng, bên cạnh đó còn tâm lý thờ ơ với biểu hiện tiêu cực ngay ở đội ngũ cán bộ, công chức

Theo báo Tuổi trẻ, báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác Phòng chống tham nhũng năm 2016, được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/9.

Ủy ban Tư pháp phát hiện: Chính phủ đánh giá vẫn cơ bản như các năm 2013, 2014, 2015 là “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.

Đáng lưu ý trong bốn năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước, trong khi đánh giá của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như phản ảnh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói rằng công tác bổ nhiệm cán bộ là vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân. Ảnh: Báo Tuổi trẻ 

“Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố thì điểm số của VN là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu” - báo cáo chỉ rõ.

Thông tin báo Công lý đăng tải, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần; hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặc biệt nhấn mạnh, mặc dù trong báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Cụ thể, trong nhiều năm qua, các báo cáo về vấn đề này của Chính phủ vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm với chính quyền, đưa ra những đánh giá chung chung như: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.

Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất ngày 21/9: Xe khách ủi xe máy 'bay' hàng chục mét(VietQ.vn) - Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất hôm nay gồm: Xe khách ủi xe máy "bay" hàng chục mét, 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên QL1A,...

 

Báo Vnexpress đăng tải, thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp chỉ ra tình trạng đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền.

Đồng thời thông tin về việc có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến. Bên cạnh đó còn phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... 

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng mặc dù đã được ghi nhận trong các văn bản nhưng hiệu quả phát hiện tham nhũng, tiêu cực trên thực tế còn rất hạn chế. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ tâm lý thiếu tin tưởng vào hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, vào tính nghiêm minh trong xử lý hành vi tham nhũng; thiếu cơ chế hữu hiệu trong bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng.

"Đây là những vấn đề Chính phủ cần phải tập trung để khắc phục trong thời gian tới", bà Nga nhấn mạnh.

Cũng theo báo Tuổi trẻ, “Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân;

Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước” - bà Nga cho rằng đây là vấn đề khiến đông đảo đại biểu Quốc hội, người dân, dư luận nêu lên.

“Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ảnh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Phân tích về tình trạng này, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu: “Thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu”.

“Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ; mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang