Vaccine HIV- nhà khoa học tìm ra kết quả đầy hứa hẹn cho bệnh nhân

author 14:55 18/04/2022

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đang tiến hành thử nghiệm vaccine HIV và cho ra kết quả đầy hứa hẹn.

Phương pháp mới do nhóm chuyên gia của Mỹ thực hiện đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. Từ các ca bệnh lây nhiễm HIV đầu tiên vào đầu những năm 1980, nhiều thử nghiệm lâm sàng về vaccine chống lại virus này đã được thực hiện. Song, HIV có nhiều cơ chế bảo vệ ngăn hệ thống miễn dịch của con người đạt được phản ứng như kỳ vọng. Hơn 4 thập kỷ qua, bài toán vaccine HIV vẫn khiến giới chuyên gia không ngừng đi tìm lời giải.

Hy vọng lần nữa được đặt vào công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Ragon, thuộc Bệnh viện Học viện Công nghệ Massachusetts và Bệnh viện Đa khoa Harvard, Mỹ.

Theo Science Daily, chiến lược chống HIV của họ được gọi là Vectored ImmunoProphylaxis (VIP), liên quan vector virus adeno (AAV) nhằm cung cấp hướng dẫn cho các tế bào cơ, bơm ra kháng thể ngăn chặn HIV. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I do Viện Y tế Quốc gia thực hiện và được công bố trên tạp chí Nature Medicine cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.

Các vector AAV sử dụng an toàn trên người để cung cấp DNA đến tế bào và hai liệu pháp gene dựa trên AAV đã được FDA cấp phép.

 Vaccine HIV đang được đẩy mạnh nghiên cứu và cho ra kết quả đầy hứa hẹn. Ảnh minh họa

Trong thử nghiệm lâm sàng vaccine HIV, nhóm chuyên gia đã thiết kế vector AAV mang trình tự di truyền kháng thể vô hiệu hóa được HIV-1, ngăn chặn virus liên kết với CD4 (thụ thể của tế bào miễn dịch).

Khi được tiêm vào bệnh nhân, liệu pháp AAV (còn được gọi là AAV8-VRC07) đi vào các tế bào cơ. Tại đây, các trình tự di truyền được đọc và dịch mã, sau đó, cơ tạo ra lượng lớn kháng thể trung hòa (VRC07), bơm ra khỏi tế bào và di chuyển qua máu, tìm kiếm kẻ lạ mặt rồi tiêu diệt.

Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, kết quả cho thấy số lượng lớn kháng thể được tạo ra, ngăn chặn mọi sự tương tác giữa HIV và CD4 trên các tế bào miễn dịch.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I được đánh giá trên 8 người lớn nhiễm HIV, đang được điều trị bằng thuốc kháng virus trong ít nhất 3 tháng. Nhóm chuyên gia phát hiện AAV8-VRC07 được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm bắp là an toàn và dung nạp tốt nhất. Cả 8 bệnh nhân đều tạo ra lượng VRC07 đáng kể, đo được trong máu. Đặc biệt trong đó, 3 người có nồng độ VRC07 đạt mức tối đa. Ở 6 người khác, số lượng kháng thể này ổn định và gần như giữ được mức này sau 3 năm theo dõi. 3/8 người có dấu hiệu phản ứng kháng thể kháng thuốc chống lại một phần VRC07. Nó khiến việc sản xuất VRC07 ở hai người giảm sút.

Tiến sĩ Alejandro B. Balazs, “cha đẻ” của vector AAV, thành viên Viện Ragon, cho biết: “Công trình này là dự án đầu tiên sản xuất thành công kháng thể đơn dòng ở người dựa trên AAV. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tạo ra kháng thể vô hiệu hóa virus HIV ở người mạnh như vậy”.

Điều đặc biệt là kết quả thử nghiệm lâm sàng cũng có ý nghĩa với việc ngăn ngừa, điều trị HIV và bệnh nhiễm trùng khác.

“Các phát hiện cho thấy nền tảng mà chúng tôi phát triển có thể tạo kháng thể tồn tại lâu dài sau một lần tiêm. Với khả năng mã hóa bất kỳ kháng thể nào thành vector, chúng tôi có thể tạo ra những phương pháp điều trị hiệu quả chống lại hàng loạt bệnh truyền nhiễm từ sốt rét đến Covid-19. Đây là công nghệ rất tiềm năng dùng cho điều chế thuốc điều trị bệnh tự miễn dịch lẫn ung thư”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trước đó, các chuyên gia tại Viện Wistar, Mỹ, phát hiện kháng thể trung hòa mới có thể giúp cơ thể vật chủ trở thành 'nhà máy sản xuất kháng nguyên' chống lại virus HIV.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 4/2, phát hiện lần đầu tiên một kháng thể chống lại HIV trên chuột. Kháng thể trung hòa này có tên Tier-2, được phát triển nhờ chất tam phân (trimer).

Trước đây, việc tạo ra các kháng thể này bằng cách sử dụng những ứng cử viên vaccine đòi hỏi thí nghiệm kéo dài và tốn kém trên những mô hình động vật lớn. Điều này gây trở lại đáng kể cho việc phát triển vaccine HIV-1.

Tuy nhiên, phát hiện mới của nhóm chuyên gia Viện Wistar đã "mở ra cánh cửa cho phép phát triển loại vaccine HIV tiên tiến hơn". Theo PGS.TS Daniel Kulp, Trung tâm Tiêm chủng và Liệu pháp Miễn dịch, Viện Wistar, tác giả chính của công trình, họ mã hóa trimer tự nhiên thành DNA để đưa vào chuột. Điều này biến cơ thể vật chủ thành "nhà máy sản xuất kháng nguyên", thay vì đòi hỏi quy trình sản xuất vaccine phức tạp.

Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh kết quả từ những con chuột nhận được chất tam phân được mã hóa DNA với nhóm chỉ nhận miễn dịch protein tiêu chuẩn. Họ phát hiện chỉ chuột được nhận trimer được mã hóa mới có kháng thể trung hòa Tier-2.

PGS Kulp cho biết: "Ở cả hai cách, chúng tôi đều có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Song, nền tảng DNA đã thúc đẩy quá trình trung hòa một cách đáng chú ý".

Ông Kulp và cộng sự tiếp tục phân lập kháng thể đơn dòng từ chuột và xác định cấu trúc nguyên tử của một Tier-2. Họ phát hiện kháng thể này liên kết với một epitope (đoạn của protein dính ra khỏi kháng nguyên, kích thích phản ứng miễn dịch) được gọi là C3V5.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra các kháng thể liên kết với C3V5 bảo vệ động vật khỏi bị nhiễm SHIV - họ hàng gần của HIV lây nhiễm cho động vật linh trưởng không phải người.

Theo GS Kulp, phát hiện mới cho thấy sự đáng kinh ngạc ở cách kháng thể Tier-2 có thể vô hiệu hóa virus HIV. "Lần đầu tiên chúng ta thiết kế được vaccine tạo phản ứng kháng thể vô hiệu hóa trên diện rộng với epitope C3V5" - ông nói.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang