Vận chuyển 1.500 kg đường trắng nhập lậu

author 16:21 06/10/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An vừa thu phạt 29,5 triệu đồng với hành vi kinh doanh 1.500 kg đường trắng không có hóa đơn chứng từ.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLT) tỉnh Nghệ An, mới đây Đội QLTT số 2 kiểm tra phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 37S – 3560 đang vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện ông Phan Bá Dũng có địa chỉ tại phường Trung Đô TP Vinh, Nghệ An đang vận chuyển 1.500 kg đường trắng do nước ngoài sản xuất với trị giá 19.500.000 đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Đội QLTT số 2 đã tiến hành xử phạt hành chính 10.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

 Nhập lậu đường trắng ngày càng tinh vi. Ảnh: Cục QLTT Nghệ An

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "thực sự đây đang trở thành nguy cơ lớn với quy mô nhập lậu rất lớn và đang tổ chức ngày càng tinh vi, phức tạp. Đây cũng là nội dung trong công tác quản lý nhà nước của lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương".

Bộ trưởng khẳng định thêm: “Chúng tôi cũng cam kết với Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ NN&PTNT cũng như các chủ thể trong ngành công nghiệp mía đường để có những giải pháp cụ thể và kịp thời, trong đó có cả đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận vào Việt Nam cũng như bảo vệ bằng các biện pháp khung pháp lý cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, biện pháp tái cơ cấu, nâng cao năng lực hiệu quả cạnh tranh của ngành đường là cơ bản để đảm bảo hiệu quả chung.”

Bởi thực tế, tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam. Thậm chí tình trạng buôn lậu đường với quy mô lớn đã khiến cho không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ.

Ước tính hằng năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam (VN) từ 500.000 tấn lên đến gần 1 triệu tấn. Với giá rẻ hơn giá đường trong nước 1.000-2.000 đồng/kg, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng tuồn đường lậu vào nước ta kiếm lời.

Đáng chú ý, nếu như trước đây đường nhập lậu phần lớn được vận chuyển bằng đường thủy thì nay được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Đáng quan ngại là mỗi giai đoạn, đối tượng buôn lậu đường luôn tìm các phương thức và thủ đoạn tinh vi khác nhau để qua mặt các lực lượng chức năng.

Táo tợn hơn, các đối tượng buôn lậu đường còn tập kết bên kia sông thuộc Campuchia trên các thuyền hay sà lan lớn, sau đó bốc xuống ghe nhỏ hơn chuyển hàng qua kho nhập lậu tại gần các cửa khẩu rồi sang bao. Từ đây, đường lậu đi sâu vào nội địa bằng xe tải lớn hoặc bằng ghe lớn có thể lên đến 80-100 tấn.

Thậm chí các đối tượng buôn lậu dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển, xuống sông để phi tang và chống trả quyết liệt” - một cán bộ chống buôn lậu cho biết.

Đặc biệt, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ gây ảnh hưởng không nhỏ cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Việt Nam.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang