Vận chuyển 21.000 bánh Trung thu nhập lậu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

author 13:22 21/09/2023

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa dịp trước tết Trung thu, lực lượng QLTT tỉnh Hưng Yên đã phát hiện một chiếc ô tô vận chuyển 21.000 sản phẩm bánh Trung thu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Đội trưởng Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 16.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là 21.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu.

Được biết, trước đó qua trao đổi thông tin với Đội 3, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ QLTT. Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải BKS 89C - 253.79.

Kết quả khám phương tiện, ngoài các loại hàng hóa có hóa đơn chứng từ kèm theo do lái xe xuất trình, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 21.000 chiếc bánh Trung thu, được đóng trong 300 thùng carton trên nhãn hàng hóa ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp lệ kèm theo tại thời điểm khám phương tiện. Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ và niêm phong số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Quá trình thẩm tra, xác minh đã chứng minh toàn bộ 21.000 chiếc bánh Trung thu là hàng hóa nhập lậu, chủ hàng là bà Đ.T.P, nơi ở hiện tại: TT Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đoàn kiểm tra của đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Đ.T.P về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ 21.000 chiếc bánh vi phạm.

21.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: Cục QLTT Hưng Yên

Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Nhãn phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu. Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định như sau: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ; Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất;  Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có).

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang