Vàng bạc Tuấn Hương kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc
Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng
Công ty TNHH Y dược Bảo Lâm và Phòng khám Việt Đức bị xử phạt
Vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần Nông dược Việt Nam bị xử phạt
Chủ hộ kinh doanh LN AB Korea tiếp tục bị xử phạt và đình chỉ hoạt động
Trước đó, ngày 09/08/2024, Đội Quản lý thị trường số 10 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đội 03 Phòng PC03, Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Công ty TNHH vàng bạc Tuấn Hương, địa chỉ: 240 đường 10/6, khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vàng, trang sức trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT Thanh Hóa
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty đang trưng bày để bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sau khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định hành vi vi phạm hành chính. Đội Quản lý thị trường số 10 đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH vàng bạc Tuấn Hương.
Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Đội 3 Phòng PC03 tiến hành giám sát thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH vàng bạc Tuấn Hương về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền phạt 385 triệu đồng; Tịch thu tang vật là vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 205 triệu đồng; Buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trị giá 184,5 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 10 cùng Đội PC03 giám sát loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa. Ảnh: Cục QLTT Thanh Hóa
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 doanh nghiệp và 02 hộ kinh doanh kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ gồm:
Công ty TNHH Thương mại vàng bạc Kim Chung, địa chỉ tại 219 Lê Hoàn, TP. Thanh Hóa, đã bị xử phạt 205 triệu đồng vì trưng bày và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Hộ kinh doanh Đỗ Thị Chi, tại thị xã Nghi Sơn, bị xử phạt 115 triệu đồng với hai hành vi vi phạm: trưng bày hàng giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định.
Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hưng, tại huyện Hà Trung, bị xử phạt 57,5 triệu đồng cũng với hai hành vi tương tự.
Toàn bộ hàng hóa vi phạm của các cơ sở này đã bị tịch thu và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tương tự như trường hợp của Công ty TNHH vàng bạc Tuấn Hương.
Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 26/9/2013, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu...
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện theo hình thức niêm yết giá hay trên bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa hay tài liệu kèm theo. Về ghi nhãn, nội dung ghi gồm tên hàng hóa, mã ký hiệu của nhà sản xuất, ký hiệu sản phẩm, hàm lượng vàng (tuổi vàng), khối lượng vàng...
Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Duy Trinh