Bộ Y tế nói gì về vụ bệnh viện TW thu tiền cao hơn bệnh viện tư?

author 14:56 10/02/2014

(VietQ.vn) - Có những khoản viện phí mà các bệnh viện Trung ương thu cao hơn bệnh viện tư nhân. Bộ Y tế đưa ra lời lý giải.

Ngày 21/1, Chất lượng Việt Nam đã đăng bài điều tra về việc nhiều bệnh viện Trung ương thu những khoản viện phí cao hơn bệnh viện tư nhân. Ngay sau đó, chúng tôi đã gửi câu hỏi và nhận được trả lời của ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế về vấn đề này.

Một số dịch vụ khoa khám bệnh tự nguyện Bệnh viện Tai Mũi Họng cao hơn bệnh viện tư nhân

Một số dịch vụ khoa khám bệnh tự nguyện Bệnh viện Tai Mũi Họng cao hơn bệnh viện tư nhân. Ảnh: HT

 

Vì sao đến nay, Thông tư hướng dẫn mức thu phí khu vực khám bệnh tự nguyện ở các bệnh viện công lập vẫn chưa được ban hành?

- Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo Thông tư liên tịch quy định mức tối đa của khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí của một số dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng cho các trường sau:

Bệnh viện công nhưng được cơ quan có thẩm quyền quyết định là bệnh viện tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (nhà nước không cấp ngân sách chi thường xuyên cho bệnh viện);

Các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực do đơn vị hoặc bộ phận khám, chữa bệnh theo yêu cầu của bệnh viện tổ chức thực hiện (khu vực này nhà nước cũng không cấp ngân sách).

Việc xây dựng Thông tư và ban hành khung giá cần phải có thời gian, theo đúng trình tự, thủ thục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác theo quy định của Luật giá và Nghị định 177 hướng dẫn luật giá, liên bộ phải xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, làm cơ sở để xây dựng giá. Ngoài ra còn phải xin ý kiến tham gia của nhiều đơn vị, địa phương nên hiện nay chưa thể ban hành được.

Có bệnh viện tuyến Trung ương, giá nội soi Tai Mũi Họng là 300.000 đồng/lần. Mức thu phí trên có hợp lý không?

- Hiện nay, các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/NĐ-CP. Theo quy định này, khi tổ chức việc triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu, Giám đốc Bệnh viện được quyền quyết định mức thu theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, phải tổ chức hạch toán thu, chi theo từng hoạt động và nộp thuế theo quy định.

Do hiện nay liên Bộ Y tế - Tài chính chưa ban hành được khung giá của các dịch vụ theo nguyên tắc tính đủ chi phí nên chưa thể đánh giá xem mức thu này của Bệnh viện có vượt khung giá và có hợp lý hay không? Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ kiểm tra việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của bệnh viện, việc xây dựng và ban hành mức giá này của bệnh viện để đánh giá cụ thể sau.

Hiện nay, nhiều bệnh viện “kêu ca” rằng, với hệ khám bệnh tự nguyện, do các giáo sư, chuyên gia... yêu cầu trả công cao nên họ phải thu phí cao. Điều này có hợp lý và hợp tình không, khi chính những người đó đã được Nhà nước đào tạo chuyên môn thành người giỏi trong bao nhiêu năm?

- Như đã nêu ở trên, hiện nay giá dịch vụ theo yêu cầu được Thủ trưởng đơn vị quyết định theo nguyên tắc tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý. Nên chi phí chi trả tiền lương, tiền công cho các giáo sư, chuyên gia tham gia khám chữa bệnh theo yêu cầu (làm ngoài giờ hoặc đã nghỉ chế độ những vẫn ký hợp đồng tham gia khám chữa bệnh với Bệnh viện) phải được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tự nguyện.

Nếu các giáo sư, chuyên gia đang còn làm việc, chưa nghỉ hưu thì tính trên cơ sở chế độ làm đêm thêm giờ theo Luật lao động. Nếu đã nghỉ hưu thì trên cơ sở thỏa thuận giữa bệnh viện và các giáo sư, chuyên gia. 

Xin cảm ơn ông !

Hoàng Tuân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang