Vì sao FPT Retail dự kiến giảm lãi ròng trong năm 2020?

author 07:12 19/05/2020

(VietQ.vn) - Tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 Công ty cổ phần Bán lẻ kĩ thuật số FPT (FPT Retail; Mã: FRT) vừa công bố cho thấy, kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu của doanh nghiệp này sẽ giảm khoảng 21%.

Sự kiện: Kết quả kinh doanh

FPT Retail đặt mục tiêu lợi nhuận giảm trong năm 2020

Cụ thể, theo tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Công ty cổ phần Bán lẻ kĩ thuật số FPT (FPT Retail; Mã: FRT) đặt chỉ tiêu doanh thu dự đạt 15.320 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận trước thuế giảm 21%, còn 220 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, FPT Retail dự kiến trả cổ tức năm 2020 cho các cổ đông bằng tiền mặt với tỉ lệ không lớn hơn 15%.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2020, FRT ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần FRT tăng 2% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 4.093 tỷ đồng. Ngược lại, giá vốn hàng bán giảm nhẹ, xuống còn hơn 3.529 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của FRT tăng 18%, lên gần 564 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này gấp đôi so với kỳ trước, lên hơn 23 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm đến 80%, ghi nhận gần 19 tỷ đồng. Các chi phí của FRT đồng loạt tăng so với cùng kỳ như chi phí tài chính (tăng 49%), chi phí bán hàng (tăng 25%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 54%). Kết thúc 3 tháng đầu năm 2020, FRT ghi nhận lãi ròng giảm 43% so với cùng kỳ, chỉ còn 37 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2020, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho của FRT lần lượt giảm 10% và 11% so với đầu năm, xuống còn hơn 1.065 tỷ đồng và gần 3.012 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả cũng giảm 11%, ghi nhận gần 4.731 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả Công ty TNHH Apple Việt Nam giảm 90%, xuống mức 64 tỷ đồng. Tổng tài sản của FRT ghi nhận gần 6.046 tỷ đồng, giảm 8% so với con số hồi đầu năm.

Lãnh đạo FPT Retail giải thích, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 bị giảm mạnh do ảnh hưởng từ hoạt động đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu từ 28 cửa hàng cùng kỳ năm trước lên 83 cửa hàng vào cuối quý I/2020. Do hệ thống nhà thuốc Long Châu đang trong giai đoạn mở rộng đầu tư đã làm tăng mạnh chi phí bán hàng, chi phí quản lý.

Bên cạnh đó, do quý I là thời điểm đến hạn tăng tiền phí thuê nhà theo định kỳ, đồng thời FPT Retail điều chỉnh phân bổ lương hiệu quả kinh doanh theo kết quả kinh doanh thực tế nên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 9,3% trong quý I/2019 lên 11,3% trong quý I/2020.

 Vì sao FPT Retail hạ mục tiêu lợi nhuận năm 2020?

'Nợ vay' vẫn đeo bám FPT Retail

Nhìn vào bức tranh kinh doanh những năm trở lại đây của FRT thông qua báo cáo tài chính có thể thấy, chi phí tài chính đang là “rào cản” cho quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp này. Từ 2016 đến nay, giá trị nợ vay của FRT tăng lên liên tục, kéo theo đó là chi phí tài chính tăng. Năm 2016, tiền lãi vay chỉ 73,8 tỷ đồng, chiếm 0,7% doanh thu, tới năm 2019 tiền lãi vay lên tới 138 tỷ đồng, chiếm 0,83% doanh thu.

Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của FRT cũng không quá lớn, chỉ đạt 12,56% năm 2019; biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính là 1,93% và biên lợi nhuận ròng sau thuế là 1,22%. Như vậy, chi phí lãi vay đang là “gánh nặng” lớn đối với doanh nghiệp này. Cùng với đó, dư nợ vay cũng khiến doanh nghiệp bán lẻ “đau đầu”. Tính tới 31/12/2019, dư nợ vay là 3.698 tỷ đồng, chiếm 56,09% tổng nguồn vốn.

Chưa kể, trong nhiều năm liền, FRT liên tục phải huy động vốn từ bên ngoài để bù đắp dòng tiền cho hoạt động kinh doanh âm. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính năm 2017 dương 178,9 tỷ đồng, tuy nhiên 2 năm sau liên tục âm với giá trị lớn, năm 2018 âm 1.386 tỷ đồng, năm 2019 âm 878,6 tỷ đồng. Cũng vì “lấp” sự thiếu hụt nguồn tiền, FRT phải huy động tài chính từ bên ngoài. Cụ thể, năm 2018 huy động 1.801 tỷ đồng; năm 2019 huy động 894,9 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là vốn vay từ bên ngoài để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh.

Nếu như năm 2017 dư nợ vay là 1.173 tỷ đồng, chiếm 30,3% nguồn vốn, thì tới năm 2019 dư nợ vay đã tăng lên 3.698 tỷ đồng, chiếm 56,09% tổng nguồn vốn. FRT hiện đang là “con nợ” của nhiều ngân hàng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2019, doanh nghiệp này vay nợ tại Ngân hàng HSBC Hong Kong lên tới 1.192 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 879,9 tỷ đồng, Ngân hàng ANZ Việt Nam 716,8 tỷ đồng, Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam 492,7 tỷ đồng và Ngân hàng Citibank Việt Nam 416 tỷ đồng.

Tuy không thể hiện rõ số lãi suất từng khoản mục vay, nhưng theo thuyết minh báo cáo tài chính tháng 6/2019, các khoản vay bằng USD có lãi suất từ 3,4%-3,9%/năm; các khoản vay bằng VNĐ có lãi suất từ 4,5 - 6,3%/năm. Như vậy, các khoản vay này sẽ có chi phí cố định nhất định đối với doanh nghiệp.

Trong năm tài chính, doanh nghiệp hoàn thành 93,98% kế hoạch doanh thu và 48,72% kế hoạch lợi nhuận. Như vậy để thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2019 không có nhiều khởi sắc, doanh nghiệp công bố điểm sáng năm 2019 là mảng kinh doanh phụ kiện và Sim với mức tăng trưởng ấn tượng 29% và 67%. Tuy nhiên, không hề đề cập tới các mảng bán lẻ điện thoại và dược phẩm chiếm trọng số trong cơ cấu doanh thu hiện nay.

Có thể thấy, FRT đang đối mặt với bài toán chi phí cố định từ lãi vay, thuê mặt bằng kinh doanh phải trả đều đặn hàng tháng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lợi nhuận.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang