Vì sao học sinh tự tử?

author 08:04 13/03/2014

(VietQ.vn) - Do mất bình tĩnh và không kiểm soát được bản thân, một số học sinh đã tự giải quyết bức xúc bằng cách...tự tử.

Một trong những lý do đầu tiên của tình trạng tâm lý học sinh căng thẳng, theo các chuyên gia tâm lý, chính là áp lực học tập. Nhất là trong khi kinh tế khó khăn, sức ép phải vào được một đại học lớn để dễ kiếm việc, ngày càng đặt nặng trên các cô cậu mới 17, 18

Ngày 17/3/2012, ba học sinh lớp 7 Trường THCS Phan Chu Trinh, tỉnh Đắk Nông đã rủ nhau tự tử. Trong số đó có 1 em có gia đình xích mích.

Ngày 10/2/2012, cho rằng bị làm nhục trước nhiều người, cháu Lương Thị H (Sinh năm 1997) là học sinh Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tìm đến cái chết. Trước khi ra đi, H có để lại một lá thư tuyệt mệnh với vẻn vẹn 7 chữ “vĩnh biệt cuộc đời này mãi mãi”.

Bác sĩ tâm thần của một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết, có em nhập viện mà cứ ngẩn ngơ đọc các công thức trong sách. Em này vốn học bình thường nhưng gia đình luôn ép học thêm, để sau này đỗ đạt. Thế là học thêm cả buổi tối, học cả ngày nghỉ...thành ra em bị sang chấn tinh thần, phải nghỉ ngơi một thời gian dài mới hồi phục.

Một trong những học sinh tự tử. Di ảnh của em N.T.C.Nhung - một trong số ba nữ sinh lớp 7 ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa tự tử cùng nhau.
Một trong những học sinh tự tử. Di ảnh của em N.T.C.Nhung - một trong số ba nữ sinh lớp 7 ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa tự tử cùng nhau.

 

Cô Trần Thị Tú, một giáo viên chủ nhiệm của một trường THPT ở Hà Nội cho biết, nhiều học sinh tự đặt mình vào bi kịch cuộc sống, sao cho giống phim truyện. Bởi đó là con đường ngắn nhất để các em "hóa mình" vào những "tác phẩm" dành cho tuổi teen. 

"Càng đau khổ các em càng thấy mình giống các thần tượng. Lỗi ở đây là do người lớn đã không nói cho các em biết, phim và đời thường khác nhau nhiều" - cô Tú phân tích.

Còn chuyên gia tâm lý Vũ Phương Minh cho rằng, một nguyên nhân của tình trạng căng thẳng tuổi teen là do gia đình ngày nay quá bận rộn kiếm tiền, mưu sinh nên ít có thời gian thật sự gần gũi dành cho nhau. Ví dụ như buổi tối đi làm về, mẹ thì rửa bát xong lại cắm đầu xem tivi, bố thì xem máy tính hoặc ipad...thành ra những đứa con lại thui thủi trong phòng của mình, sống "lang thang" trên thế giới ảo.

Nếu chẳng may, gia đình có cãi vã giữa bố mẹ thì những đứa con sẽ bị ảnh hưởng lớn đến tâm lý.

Một Hiệu trưởng THCS cho rằng, học sinh hiện nay phát triển sớm về tâm - sinh lý. Thế giới ảo, facebook, điện thoại...khiến các em luôn thấy mình là "trọng tâm" của vũ trụ. Ở trường lại không chú trọng dạy học sinh cách đối nhân xử lý, cách kiềm chế trong mọi việc...nên nếu người lớn làm các em cảm thấy bị xúc phạm, thì rất dễ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.

Song Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang