Vì sao trong 43 chỉ dẫn địa lý, chỉ có nước mắm Phú Quốc thực sự thành công?

author 06:55 22/12/2015

(VietQ.vn) - Trong 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chỉ có duy nhất trường hợp của nước mắm Phú Quốc được đánh giá là thực sự thành công. Nguyên nhân quan trọng nhất chính là nhu cầu của các doanh nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý này.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, mà gần đây nhất là sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi Việt Nam cần có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về vai trò và sự cần thiết của vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nó không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Sau 15 năm kể từ ngày chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, đến nay Việt Nam đã có 43 chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, hiệu quả lại không đạt được như mong đợi khi chỉ có duy nhất trường hợp của nước mắm Phú Quốc được đánh giá là thực sự thành công.

Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ xung quanh vấn đề này.

- Theo các chuyên gia, Việt Nam có tới 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đứng thứ hai sau Thái Lan ở khu vực ASEAN. Tuy nhiên, hiệu quả lại không đạt được như mong đợi khi chỉ có duy nhất trường hợp của nước mắm Phú Quốc được đánh giá là thực sự thành công. Ông nhìn nhận như thế nào về đánh giá trên?

Ông Lưu Đức Thanh: Tôi cho rằng trong các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hiện nay, chỉ dẫn địa lý Phú Quốc là tốt hơn cả. Điều đó được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất là tỉnh Kiên Giang đã xây dựng được hệ thống thể chế, mô hình quản lý phù hợp, được tổ chức thực hiện trên thực tế.

Thứ hai, sản phẩm nước mắm Phú Quốc mang chỉ dẫn địa lý được đưa ra thị trường với dấu hiệu riêng, được các doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất nước mắm ủng hộ và thống nhất sử dụng.

Thứ ba, giá trị nước mắm Phú Quốc được nâng cao sau khi sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được đưa ra thị trường, theo số liệu của Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc (tháng 4/2015) thì giá bán nước mắm mang chỉ dẫn địa lý đã tăng khoảng 30% trên thị trường. Đây là một tín hiệu tích cực và đáng mừng đối với chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nói riêng và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, đây mới là những thành công bước đầu, để duy trì sự bền vững đối với chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc, Ban kiểm soát nước mắm, và đặc biệt là Hội sản xuất nước mắm và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tổ chức kiểm soát chỉ dẫn địa lý, duy trì sự ổn định và bền vững về chất lượng sản phẩm.

-Vậy, theo ông, yếu tố quan trọng nào làm nên thành công của chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc? Các địa phương cũng như các chủ thể quyền chỉ dẫn địa lý khác cần học hỏi những kinh nghiệm thành công nào từ chỉ dẫn địa lý này?

Ông Lưu Đức Thanh: Là người theo dõi quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nhiều năm qua, tôi cho rằng có nhiều yếu tố làm nên sự thành công của ngày hôm nay, trong đó phải kể đến một số yếu tố quan trọng đó là:

Yếu tố đầu tiên là nhu cầu thực sự của cộng đồng doanh nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp nhận thức rõ được vai trò của chỉ dẫn địa lý và nhu cầu chống lại sự lạm dụng về sản phẩm trên thị trường.

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ 

Thứ hai là đã được tiếp cận thị trường với kênh phân phối riêng, nghĩa là sản phẩm đã được đóng gói, có nhãn mác để tham gia vào thị trường. Điều này đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Sự quan tâm của địa phương, các cơ quan Trung ương, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là sự quyết tâm của địa phương trong việc xây dựng thể chế, tổ chức mộ máy quản lý. Đặc biệt là sự phù hợp của một mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý thể hiện ở khả năng vận hành được của Ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc.

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc

Thứ tư, yếu tố rất quan trọng là sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc. Mặc dù để đạt được sự đồng thuận đó là một quá trình trao đổi khá dài và có những mâu thuẫn phát sinh, nhưng những kết quả đạt được đã trở thành yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn địa lý. Điều này cũng thể hiện một khía cạnh nữa rất quan trọng đó là các vấn đề kỹ thuật của chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng dựa trên sự đồng thuận và phù hợp với điều kiện sản xuất, những vẫn phải giữ được những giá trị truyền thống của sản phẩm.

Tôi cho rằng đây là những yếu tố cơ bản để hình thành nên sự thành công của chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Đây cũng chính là những bài học kinh nghiệm quan trọng mà các địa phương, và cộng đồng sản xuất chỉ dẫn địa lý khác học tập.

-Vậy qua trường hợp của Nước mắm Phú Quốc, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của địa phương và chủ thể quyền chỉ dẫn địa lý đối với việc phát triển hiệu quả chỉ dẫn địa lý?

Ông Lưu Đức Thanh: Thực tế hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý thời gian qua cho thấy, nhà nước, địa phương vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhà nước cũng là chủ thể trong quản lý chỉ dẫn địa lý. Hầu hết việc quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận, vai trò của các tổ chức tập thể, người dân còn mờ nhạt.

Kinh nghiệm của thế giới đã cho chúng ta thấy, tổ chức tập thể đóng vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý. Họ là đầu mối xây dựng sự đồng thuận của cộng đồng, quản lý việc sử dụng và sự tuân thủ của thành viên đối với chỉ dẫn địa lý. Đồng thời thúc đẩy hoạt động quảng bá và giới thiệu chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy thương mại đối với sản phẩm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trong bối cảnh của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, vai trò của nhà nước, cụ thể là các địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Nhưng nhà nước không thể làm hết tất cả mọi thứ, mà chỉ xây dựng thể chế, giám sát, hỗ trợ để doanh nghiệp, người dân sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt là cần nâng cao vai trò của tổ chức tập thể trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý, họ cần là chủ thể của quá trình quản lý, họ có vai trò, trách nhiệm nhưng phải gắn với quyền hạn cụ thể. Cần một sự phân định cụ thể về nội dung quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tập thể, tránh sự chồng chéo không cần thiết. Nhà nước chỉ tập trung vào quản lý những nội dung quan trọng, còn lại sẽ do tổ chức tập thể thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hoài (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang