Vỉa hè là "cứu tinh" cho mọi nền kinh tế

author 08:33 31/10/2012

(VietQ.vn) - Rất may cho những kẻ “cơ nhỡ” là vỉa hè, thậm chí là công viên của họ được tổ chức hợp lý để hỗ trợ kinh tế dân sinh. Tại các thành phố xinh xắn của Hà Lan vào ngày thứ bảy, mọi người dân đều được phép mang đồ ra vỉa hè và một số công viên bày bán mà không phải đóng thuế.

Lời Tòa soạn: Sau khi đăng loạt bài về kinh doanh vỉa hè, chúng tôi đã nhận được nhiều hồi âm của độc giả. Nhiều người cho biết,  Chất lượng Việt Nam là một trong số ít cơ quan báo chí có cách nhìn nhân văn về bán hàng ở vỉa hè. Vì nhiều phóng viên hiện nay chỉ cần chụp một vài tấm ảnh là có thể làm một bài viết vô cảm, phê phán những người bán hàng ở vỉa hè.

Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả có nick là DOVE (tiếng Anh là Bồ câu), để độc giả có cái nhìn rộng hơn về "kinh tế vỉa hè".

Không chỉ dân nghèo mà các công ty lớn cũng kinh doanh ở vỉa hè. Ảnh: HT
Không chỉ dân nghèo mà các công ty lớn cũng kinh doanh ở vỉa hè. Ảnh: HT

Chính quy và không chính quy

Nền kinh tế của một quốc gia có thể được phân thành các hình thái kinh tế chính quy (FE: Formal Economies – hoạt động sản xuất kinh doanh có đăng ký doanh nghiệp) và kinh tế không chính quy (IE: Informal Economies, dịch sát tiếng Anh là kinh tế không chính quy – hoạt động sản xuất kinh doanh không đăng ký doanh nghiệp để kiếm sống của người dân).

Các nước phát triển là những nơi có điều kiện rất năng động để phát triển kết hợp, hoặc để chuyển đổi các hình thái FE – IE. Hai trong số những thí dụ nổi tiếng nhất, đó là các đế chế MICROSOFT và DELL đều được khởi nghiệp từ kinh tế dân sinh của 2 cậu sinh viên.

Sự đỏng đảnh của thị trường việc làm và quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường: khoảng 50% các doanh nghiệp sẽ bị “dẹp tiệm” sau 3 năm đầu khởi nghiệp là những nguyên nhân khiến cho việc ra vỉa hè kiếm sống trở thành “chuyện thường ngày” ở các nước OECD.

Rất may cho những kẻ “cơ nhỡ” là vỉa hè, thậm chí là công viên của họ được tổ chức hợp lý để hỗ trợ kinh tế dân sinh. Tại các thành phố xinh xắn của Hà Lan vào ngày thứ bảy, mọi người dân đều được phép mang đồ ra vỉa hè và một số công viên bày bán mà không phải đóng thuế.

Các bạn Hà Lan đã giải thích cho tôi rằng đây là giải pháp hợp lý để tận dụng giá trị sử dụng của hàng hoá, bởi vì đồ vật mà người này không thích có thể rất đắc dụng với người khác. Nhưng có lẽ cái tầm và cái tâm của họ không chỉ dừng lại ở mức độ như vậy. Tôi đã được chủ nhân một cửa hiệu lớn bật mí rằng bán hàng ở vỉa hè (IE) vào ngày thứ bảy không chỉ là việc làm hợp pháp mà còn là biện pháp hữu hiệu để định sát giá bán hạ giá hàng hoá của cửa hiệu (FE).

Còn vào một buổi sáng thứ bảy đẹp trời tại Emmerlord, tôi đã được thưởng thức nem chấm tương ớt – cà chua (ketchup) trên hè chợ, do một số lao động mới nhập cư từ Đức sang bán. Bên cạnh chiếc xe bán tải cà tàng, đồng thời cũng vừa là bếp rán vừa là tiệm bán nem, có một nữ cảnh sát đang nghiêm chỉnh thi hành công vụ. Bà ta vui vẻ cho tôi biết, bà ấy cũng thích ăn nem chấm ketchup và theo bà thì mấy “thương gia này” là những công dân tốt. Họ cư trú bất hợp pháp trong ngôi nhà bỏ hoang ở bên rìa thành phố và chính quyền đang cố gắng thu xếp để họ được an cư hợp pháp, vấn đề chỉ là chủ của ngôi nhà không biết vì nguyên nhân gì mà biệt vô âm tín.

Tại các nước đang phát triển, kinh tế dân sinh là một vấn đề lớn, thậm chí nói không ngoa là cực lớn. Theo các chuyên gia thì không dưới 60% dân số phụ thuộc vào kinh tế dân sinh và trong vòng 20 năm tới, những khu ổ chuột tại các thành phố của các nước đang phát triển sẽ đóng góp cho thế giới khoảng 90% lượng dân số gia tăng.

Với mật độ dân số có lẽ lên đến 200.000 người/km2, người dân ở khu ổ chuột Dharavi của thành phố cảng Mumbai (đã từng được gọi là Bombay) phải kiếm sống đồng thời bằng vài thứ nghề một lúc, trong đó, những nghề mà chính quyền VN đang định cấm như vận chuyển bằng phương tiện tự chế, bán hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè… đóng vai trò quan trọng. Trong khung cảnh vốn đã bát nháo đến mức không thể tưởng tượng nổi cho dù bạn là người Hà Nội, thì bất chợt bạn có thể bị trượt chân khi dẫm phải một đống phân bò và trước khi cắm đầu vào một chậu nước bẩn, bạn còn có thêm cơ may nhận thấy mấy chú bò với vị thế là những yếu nhân của Ấn Độ giáo đang ung dung khất thực trên hè phố.

Bangalore – Ấn độ. Ảnh: internet

Cùng nằm chung trong thành phố Mumbai là Boliwood – kinh đô điện ảnh phù hoa của Ấn Độ. Nếu để ý một chút, ta dễ dàng cảm nhận được qua giọng ca cao vút và da diết của một cô đào ăn khách rằng sự thịnh vượng của Boliwood về cơ bản được tạo dựng trên nền tảng của các cuốn phim về những câu chuyện tình lâm ly, diễn ra trong bối cảnh ổ chuột Dharavi và theo những người dân chân chất ở đó, chúng có sức rung cảm đến mức làm rơi nước mắt tất cả mọi người, từ bà bán hàng chạp phô béo ục ịch đến bác kéo xe gầy nhom. Theo các chuyên gia kinh tế, thì trong thế kỷ XXI, châu Á sẽ bay lên bằng đôi cánh Trung Ấn, thế nhưng hẳn đã quá rõ ràng là để bay lên, người Ấn đâu có ý định đoạn tuyệt với quá khứ của mình và triệt tiêu nguồn kiếm sống của dân nghèo.

Ngày nay,người Việt Nam có điều kiện xuất ngoại nhiều hơn, nếu họ chưa từng ăn kem và uống Kvas trên vỉa hè của Moskva, nhấm nháp ly cà phê phố dọc sông Seine của Paris, xếp hàng mua hot dog trên hè phố của New York, ngồi xe kéo tay để một gã phu đầu húi cua, chân vận hài xảo đưa đến một tửu quán mái tranh cạnh toà nhà Asahi Simbun hoành tráng ở trung tâm Tokyo (cái thú này có giá không dưới 1.000 USD và phải đặt trước vài tháng) hoặc mua ngọc tại chợ Tàu (có từ thời thuộc địa) ở khu thương mại Ochard sầm uất của Singapore thì có thể kết luận chắc như đinh đóng cột rằng họ vẫn chưa học tập được  gì mấy về kinh tế dân sinh và kinh tế vỉa hè trong kỷ nguyên toàn cầu hoá.

Để trả giá cho sự thiếu khai hoá như vậy, người Mã Lai đã phải dành tầng 2 của khách sạn Panpacific ở Kuala Lumpur để mô phỏng một phố ẩm thực, nơi mà tôi đã từng phải đau lòng như xát muối để trả đến 84 USD cho một bữa ăn tự chọn. Tôi có thể nói rất nhiều, rất dài và rất dai về kinh tế dân sinh, đặc biệt là về bộ phận không thể thiếu được của nó là kinh tế vỉa hè tại những nước mà tôi đã đến. Tuy nhiên kinh tế dân sinh của Việt Nam và kinh tế vỉa hè của Hà Nội mới là “hobby” (yêu thích) của tôi và tôi muốn “lobby” (ủng hộ) cho nó.

Ủng hộ kinh tế vỉa hè

Tại nước ta, quá trình đổi mới từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã được khơi nguồn từ những cuộc trinh sát “chui” do ông Kim Ngọc – người Đảng viên hết lòng với dân, đã mang sinh mạng chính trị của mình để thực hiện trong hoàn cảnh chiến tranh. Đến đầu thập niên 1980, kinh tế nông nghiệp tập trung bao cấp về cơ bản đã được thay thế bằng kinh tế dân sinh với khoảng 80% dân số, bao gồm nông dân và dân chúng sống nhờ vào nông nghiệp.

Trong nửa cuối của thập niên đó, công nhân viên chức của các doanh nghiệp quốc doanh bị giải thể, quân nhân giải ngũ, công chức về hưu, thậm chí các nhà giáo, các nhà khoa học đang sung sức… đã gia nhập ngày càng sôi động hơn vào đội quân vô cùng đông đúc đó và bắt đầu góp phần tái cơ cấu nó.

Thế rồi trong một ngày tốt lành nào đó, chúng ta chợt nhận ra rằng câu hỏi đã được đặt ra trong tình thế cực kỳ nghiêm trọng vào cuối thập kỷ 1970 đó là “Làm thế nào để nuôi dân?” đã có được lời giải duy nhất đúng, đó chính là làm kinh tế dân sinh. Nền kinh tế của Việt Nam đã từng bước được đổi mới với sự vận dụng đúng đắn những quy luật khách quan và khả thi về kinh tế dân sinh và nhờ vậy đất nước đã vững vàng lập nên một "Điện Biên Phủ kinh tế" khi vào năm 1992.

Hiện nay, nền kinh tế dân sinh với nông dân là chủ lực đó đã không những đảm bảo vững chắc an ninh lương thực để đất nước có thể phát triển với tốc độ ổn định trên 7%/năm, mà còn biến Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, hồ tiêu, cà phê và thuỷ sản.

Là người đã được chứng kiến toàn bộ quá trình đổi mới kinh tế đất nước và có cơ may được hưởng thụ những thành quả của nó, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người nông dân đang lam lũ mưu sinh và lòng ngưỡng mộ chân thành đối với những người cộng sản, đã hết lòng quan tâm tới cuộc sống của người dân và đã cống hiến trọn vẹn con tim và khối óc của mình để khai thông nội lực của dân và của  nước. 

Trong số những con người chân chính đó, ngoài ông Kim Ngọc, tôi có nghĩa vụ phải kể đến các cố Tổng Bí thư: Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt,…Trước những kỳ tích như vậy, IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế, một doanh nghiệp con của World Bank) đã chính thức nhận định rằng: ”Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển tốt nhất trên thế giới. Nó đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc từ một nền kinh tế kế hoạch hoá hướng nội sang một nền kinh tế hội nhập toàn cầu trên nền tảng thị trường. Nó có tiềm năng để trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất về phát triển kinh tế” .

Thế đó, quả là kỳ tích của đổi mới mà không ai có thể tưởng tượng nổi vào đầu thập niên 1980.

Với lòng biết ơn và ngưỡng mộ như vậy, tôi bất chợt ý thức được rằng cái được gọi là “nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” và đã làm tốn không ít giấy mực chỉ đơn giản là nền kinh tế định hướng đến việc khơi nguồn kinh tế dân sinh trên cơ sở phân tích chính xác nội lực và vận dụng đúng đắn những quy luật khả thi của kinh tế thị trường. Điều đơn giản đó cũng thuộc về bản chất của thời đại mà chúng ta đang sống và cũng chính nó sẽ quyết định sự hồi sinh lành mạnh của CNXH và đảm bảo vững chắc cho thắng lợi của "một Điện Biên Phủ thứ 4".

DOVE

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang