Việc làm xanh góp phần giải quyết vấn đề môi trường và hướng đến phát triển bền vững

(VietQ.vn) - Nhu cầu về việc làm xanh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng lại đang vượt xa nguồn cung nhân lực sẵn có. Doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi và người lao động cần trang bị những kỹ năng thiết yếu để bắt kịp "chuyến tàu xanh".
Phê duyệt đề án người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm
Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030: Chuyển đổi xanh, tăng thu nhập cho người dân
Chuyển đổi xanh ngành đường thủy: Hành trình giảm phát thải và thúc đẩy bền vững
Tây Ninh đẩy mạnh chuyển đổi xanh thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng thị trường
Việc làm xanh - Xu hướng tất yếu trong nền kinh tế xanh
Theo kết quả khảo sát được Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam công bố về cơ hội việc làm "xanh" và phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2022, nhu cầu về việc làm "xanh" ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Nhu cầu việc làm "xanh" cao nhất đến từ các ngành sản xuất (48%), năng lượng (34%), nông nghiệp (11%) và công nghệ (4%).
Việc tham gia nhiều dự án nghiên cứu, sáng kiến xanh hay sở hữu kỹ năng phân tích dữ liệu môi trường sẽ là lợi thế cạnh tranh quan trọng, giúp ứng viên tiếp cận với các cơ hội việc làm xanh đa dạng, với tiềm năng phát triển chuyên môn rộng mở. Tuy nhiên, để xây dựng nguồn nhân lực xanh chuyên nghiệp, cần có sự định hướng và hỗ trợ kịp thời, thúc đẩy nhanh hơn quá trình "xanh hóa" nền kinh tế.
Việc làm xanh đã trở thành "chìa khóa vàng" để giải quyết vấn đề môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định: "Tại thời điểm này, nhu cầu về kỹ năng xanh đang vượt xa khả năng sẵn có. Đến năm 2030, 60% thanh niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế xanh. Chúng ta phải giải quyết sự chênh lệch này và đảm bảo rằng tất cả mọi người, bất kể xuất thân hoặc giới tính, đều có cơ hội tiếp cận bình đẳng với những kỹ năng này."
Ông Vũ Tuấn Anh - chuyên gia tư vấn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) kiêm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr.SME cho rằng việc làm xanh không phải là khái niệm mới mà đã xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề từ lâu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển và tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn, việc làm xanh đã trở thành "chìa khóa vàng" để giải quyết vấn đề môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
"Việc làm xanh có thể là những nghề nghiệp giúp giảm thiểu tác động môi trường từ các ngành truyền thống, như nâng cấp công nghệ sản xuất xi măng để giảm khí thải. Nó cũng có thể là các nghề nghiệp tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường hoặc xuất hiện mới nhờ sự phát triển của công nghệ, như ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp", ông Tuấn Anh giải thích.
Các lĩnh vực có tiềm năng phát triển việc làm xanh bao gồm năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, quản lý và tái chế rác thải, công nghệ môi trường, thành phố thông minh và nông thôn bền vững. Đối với doanh nghiệp, nếu không bắt kịp "chuyến tàu xanh", họ sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng và hội nhập.
Chiến lược "xanh hóa" doanh nghiệp
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, để "xanh hóa", doanh nghiệp có thể thực hiện từng bước nhỏ, từ từ chuyển đổi. Họ có thể bắt đầu bằng cách sử dụng nguyên liệu hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ xanh ở một giai đoạn cụ thể trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng và tiết kiệm tài nguyên.
Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp có thể áp dụng các tiêu chuẩn quản lý đơn giản như 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, chuẩn hóa và duy trì) để cải thiện hiệu quả hoạt động. Sau khi ổn định, họ có thể chuyển sang sử dụng công nghệ hiện đại, năng lượng tái tạo hoặc đầu tư vào các giải pháp kiểm soát khí thải. Cuối cùng, khi sẵn sàng, doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp "xanh hóa" toàn diện hơn như đổi mới dây chuyền sản xuất và cải tổ toàn bộ hoạt động để phát triển bền vững.
Đối với người lao động, trong bối cảnh chuyển đổi xanh, việc trang bị năng lực xanh là điều bắt buộc. Ngoài các kỹ năng truyền thống như 4C (sáng tạo, truyền thông, phối hợp, tư duy phản biện), người lao động cần có tư duy hệ thống, kỹ năng phân tích số liệu và đặc biệt là kiến thức về công nghệ tuần hoàn, phát triển bền vững, xanh và sạch.
Theo ông Tuấn Anh, để phát triển việc làm xanh bền vững, giáo dục cần đi trước một bước. Các môn học về kỹ năng sống xanh và phát triển bền vững nên được dạy từ cấp tiểu học. Ví dụ, học sinh có thể thực hành với mô hình Microbit STEAM về nhà thông minh hoặc nông nghiệp xanh để tạo cảm hứng và khát vọng xanh.
Ngoài ra, ý thức tiêu dùng xanh, tái chế rác thải cần được hình thành từ nhỏ. Khi thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa của lối sống xanh, họ sẽ trở thành "người tiêu dùng xanh" và "người thúc đẩy xanh" trong xã hội.
Theo bà Cao Lê Thanh Loan - Giám đốc cấp cao dịch vụ khoán việc và tư vấn nhân sự tại ManpowerGroup Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi xanh để đáp ứng kỳ vọng của đối tác và người tiêu dùng. Báo cáo "Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc" do ManpowerGroup Việt Nam và Jobs That Make Sense thực hiện vào năm 2024 cho thấy, 85% người lao động Việt Nam cho biết danh tiếng về trách nhiệm xã hội của công ty ảnh hưởng đến quyết định nhận việc của họ. Ngoài ra, 64% mong muốn doanh nghiệp của mình tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhu cầu nhân lực xanh trên thế giới đang rất cao. Khảo sát của ManpowerGroup cho thấy 70% doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch tuyển dụng nhân sự xanh. Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo chuyển đổi xanh sẽ là yếu tố hàng đầu tạo ra việc làm mới trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực xanh vẫn chưa đáp ứng đủ. Theo Khảo sát xu hướng tuyển dụng quý 4/2024 của ManpowerGroup tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đến 91% doanh nghiệp chưa có đủ nhân tài xanh cần thiết. Trước tình trạng này, doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp như nâng cao kỹ năng và đào tạo nhân lực hiện có, tuyển dụng nhân sự mới hoặc nhờ chuyên gia cố vấn bên ngoài.
Việc làm xanh không thay thế các công việc truyền thống mà bổ sung thêm các giá trị bền vững. Người lao động cần chủ động trau dồi "kỹ năng xanh", cập nhật công nghệ và xu hướng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, Chính phủ cần đầu tư mạnh vào giáo dục, đào tạo chuyên sâu để tạo nền tảng vững chắc cho nhân lực trong nền kinh tế xanh.
Nguyễn Thị Hải Ninh - Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh