Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo

author 08:58 17/02/2023

(VietQ.vn) - Đó là nhận định được đưa ra tại Báo cáo đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất của nền kinh tế, địa phương và doanh nghiệp của chuyên gia năng suất thuộc Viện Năng suất Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo báo cáo, hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm trong bối cảnh quốc tế bớt sôi động hơn. Nguồn tăng trưởng trước đây đang suy giảm làm tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo. Muốn vậy, Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước.

Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới đòi hỏi phải sớm đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến, kể cả hoạt động R&D. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường, hợp lý hoá và điều chỉnh hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung hơn vào các doanh nghiệp.

Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo

 Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đã mở rộng và đa dạng hoá cơ cấu ngành hàng xuất khẩu nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao” phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn còn diễn ra khá chậm chạp. Việc mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo.

Toàn cầu hóa giúp khoa học và công nghệ Việt Nam từng bước hội nhập, giao lưu với nền khoa học công nghệ của thế giới, tạo thuận lợi cho Việt Nam học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ thế giới phục vụ cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước. Việc chuyển giao các dây chuyền công nghệ, khoa học tiên tiến của thế giới vào từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể ở Việt Nam.

Các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (công nghệ tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel), công nghệ xây dựng cầu đường và đặc biệt công nghệ thông tin trong các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng đã góp phần đưa các ngành này từng bước tiếp cận và đạt đến trình độ của thế giới. Khoa học và công nghệ Việt Nam có những cơ hội như: Đội ngũ cán bộ khoa học nhiệt huyết, có trình độ ngày càng gia tăng; Cơ hội toàn cầu hóa tạo điều kiện tốt trong việc tiếp cận với tri thức thế giới; Đất nước có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt trong tăng trưởng kinh tế, đây là tiền đề tốt cho phát triển khoa học, công nghệ; Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn khoa học, công nghệ lớn trên thế giới. Đây là cơ hội tốt để chúng ta tiếp thu công nghệ và học hỏi kinh nghiệm, nếu chúng ta tận dụng tốt.

Các công cụ năng suất sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các lãng phí dẫn đến đạt kết quả kinh doanh như mong muốn

 Việc áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

Trong các quan điểm phát triển thể hiện trong bản Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN & ĐMST) được xếp thứ nhất, thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong hành động với KH, CN & ĐMST giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với KHCN & ĐMST xác định tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.

Phát triển mạnh mẽ KHCN & ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, tiến tới làm chủ một số công nghệ mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang