Việt Nam có nhiều mô hình tốt trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

author 17:02 27/04/2023

(VietQ.vn) - Các nước và tổ chức quốc tế tham gia Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững ghi nhận, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, mô hình tốt trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam đã truyền cảm hứng, góp phần quan trọng vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.

Ngày 27/4/2023, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Họp báo bế mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững- Mạng lưới một hành tinh với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”.

Họp báo bế mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững Mạng lưới một hành tinh. Ảnh: nongnghiepvn

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, hội nghị cấp Bộ trưởng này có sự tham dự của 337 đại biểu tham dự trực tiếp trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ 60 quốc gia, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan nghiên cứu, đào tạo. Về lãnh đạo cấp cao, Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Ngoài 9 phiên họp chính thức, nhân hội nghị này, có 11 phiên họp bên lề và 31 cuộc làm việc song phương giữa các bên. Đặc biệt, các mô hình cung ứng lương thực, thực phầm bền vững của Việt Nam được giới thiệu cho các đại biểu thông qua 5 chuyến tham quan thực tế.

Sau các phiên thảo luận hiệu quả, tích cực, hội nghị đã rút ra các kết luận. Đó là chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm có vai trò quan trọng. Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu, phục hồi là điều kiện tiên quyết để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, cũng như giá tiêu dùng và năng lượng cao.

Tư duy toàn cầu, hành động địa phương, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần được tiếp cận từ toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường, cách thức chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và địa phương trong quốc gia đó.

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần sử dụng cách tiếp cận bao trùm, đa ngành, đa lĩnh vực và mang tính hệ thống. Việc chuyển đổi bền vững cần gắn với các yếu tố có liên quan bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thương mại…

Việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở từng quốc gia đòi hỏi phải có đủ quyết tâm chính trị và sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành, lĩnh vực, các bên liên quan từ trung ương tới địa phương, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, khu vực nhà nước và tư nhân.

Đồng thời, việc chuyển đổi đòi hỏi phải có sự gắn kết, kết hợp giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, giữa chiến lược dài hạn và các kế hoạch ngắn hạn. Việc quản trị và điều phối các bên liên quan là quan trọng và cần thông qua một kế hoạch hành động.

Để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thành công, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực bao gồm khoa học công nghệ, tài chính, sự tham gia và đổi mới sáng tạo. Trong số đó, về nguồn lực tài chính: chính sách tài chính cho chuyển đổi cần nhất quán và toàn diện ở cấp toàn cầu, quốc gia và địa phương. Các chính sách tài chính cần tiếp cận trên ba khía cạnh: tạo động lực, thúc đẩy đổi mới và đầu tư. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, thông qua hội nghị, uy tín, vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách là “Nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”; là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi... được tăng cường.

Các nước và tổ chức quốc tế tham gia hội nghị ghi nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững. Việt Nam khẳng định mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, mô hình tốt trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam cho các đại biểu tham gia Hội nghị lần thứ 4 bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, thông qua các phương tiện truyền thông góp phần quan trọng vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.

Không chỉ đi tiên phong trong chuyển đổi hệ thống lương thực thử phẩm bền vững, Việt Nam khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo ANLT đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam.

Ông Alwin Kopse- Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế và Hệ thống Thực phẩm, Văn phòng Nông nghiệp Liên bang Thụy Sĩ đánh giá, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững quốc gia và thế giới trong tương lai.

Ông Joao Campari - lãnh đạo Chương trình thực phẩm toàn cầu Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF- cho biết, WWF sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hướng tới phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Theo Bộ NN&PTNT, vai trò và vị thế được tăng cường là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy hợp tác Nam–Nam nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, bao trùm và chống chịu tại các quốc gia đang phát triển;

Thiết lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Lương thực thực phẩm cho khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững;

Tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển và các quốc gia thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”; đồng thời, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mô hình thực hành tốt với các nước để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang