Việt Nam có tuốc bin gió đầu tiên

author 08:26 25/05/2012

(VietQ.vn) - Ngày 24/5, ông Dương Quang Lộc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu, cho biết đơn vị thi công đã lắp thành công 2 tuốc bin đầu tiên (số 4 và số 7) trên biển.

Đây là 2 trong tổng số 10 tuốc bin của giai đoạn 1, mỗi tuốc bin cao 90m, nặng hơn 210 tấn, làm bằng thép titan, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn thuê từ Singapore. Hiện tại mỗi ngày có hơn 250 kỹ sư, công nhân bậc cao làm việc trên công trường để đẩy nhanh tiến độ, mỗi tháng hoàn thành 2-3 tuốc bin.

Được biết, các thiết bị tuốc bin được chủ đầu tư (Công ty TNHH Công Lý - Cà Mau) ký hợp đồng cung cấp với Tập đoàn General Electric (GE, Hoa Kỳ) trị giá 339 tỉ đồng.

Dự kiến 8 tuốc bin còn lại của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012.

Trụ tuốc bin số 4 và số 7 đã lắp dựng xong. Ảnh: TTO
Trụ tuốc bin số 4 và số 7 đã lắp dựng xong. Ảnh: TTO

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Bạc Liêu có quy mô công suất 99,2 MW gồm 62 trụ tuốc bin, vốn đầu tư 5.200 tỉ đồng, cung cấp 56 triệu kWh/năm. Năm 2013 sẽ tiếp tục triển khai tại các tỉnh ven biển Trà Vinh và Sóc Trăng.

Trước đó, ngày 17/5 đã diễn ra Hội thảo về Trung tâm điện gió Đồng bằng sông Cửu Long tại Bạc Liêu với sự tham dự của lãnh đạo UBND hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, đại diện Công ty Công Lý - chủ đầu tư dự án điện gió tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo các Ngân hàng Trung ương và địa phương.

Hội thảo đã xác định Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có tiềm năng để phát triển điện gió với quy mô lớn. Các tỉnh này sẽ phối hợp với Ngân hàng phát triển Việt Nam và công ty Công Lý tiến hành khảo sát để triển khai Dự án Trung tâm điện gió Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến, Dự án Trung tâm điện gió Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai xây dựng tại các địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cùng huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, dự án có quy mô công suất khoảng 500MW.

Hội thảo cũng xác định: "Dự án mang lại lợi ích rất lớn, lâu dài, bền vững, không những góp phần tự bảo đảm cân đối nguồn điện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà quan trọng hơn là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực, phát triển du lịch, kích thích đầu tư các dự án công nghiệp khác trong vùng, góp phần bảo vệ môi trường sống, giảm sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu".

L.H (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang