Việt Nam lọt Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn trên thế giới

author 16:16 06/02/2023

(VietQ.vn) - Việt Nam đã đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn, trên thế giới với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), năm 2021, tổng nhu cầu gỗ dán toàn cầu khoảng gần 40 tỷ USD, tương đương với khoảng trên 105 triệu m3. Theo ghi nhận chưa đầy đủ, trong 11 tháng năm 2022 tổng nhu cầu thị trường toàn cầu đạt khoảng trên 28 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2021 do những yếu tố bất ổn về tình hình kinh tế - xã hội thế giới.

Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ dán hàng đầu gồm Trung Quốc (5,89 tỷ USD); Indonesia (2,51 tỷ USD); Nga (1,9 tỷ USD); Brazil (1,2 tỷ USD); Việt Nam (1,1 tỷ USD). Các thị trường nhập khẩu gỗ dán lớn như: Hoa Kỳ (4,5 tỷ USD); Nhật Bản (1,58 tỷ USD); Đức (1,1 tỷ USD); Hàn Quốc (0,84 tỷ USD); Anh (0,8 tỷ USD).

Theo ITC, từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn, giá trị xuất khẩu tăng từ 774 triệu năm 2018 lên 1,2 tỷ USD năm 2021 và 1,1 tỷ vào năm 2022. Hiện, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản là các thị trường chính tiêu thụ gỗ dán của Việt Nam.

Việt Nam nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn trên thế giới. Ảnh minh họa

Nhận định về thị trường gỗ dán, một số chuyên gia đánh giá, thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã ‘'bắt đáy’' từ cuối quý III/2022 và đã kéo dài 4 tháng qua. Khả năng phục hồi thị trường xuất khẩu gỗ dán trong năm 2023 sẽ tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới, phân khúc thị trường, phân khúc sản phẩm mà các doanh nghiệp '‘nhắm tới'’.

Liên quan đến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2022, viên nén đứng thứ tư về giá trị xuất khẩu trong tám mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ. "Trong giai đoạn 2022-2030, ngành gỗ đang hướng đến mục tiêu đạt tổng giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Đến năm 2030, ngành chế biến gỗ sẽ phát triển thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng, hướng đến có thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì Việt Nam đang từng bước trở thành một quốc gia sản xuất và xuất khẩu gỗ đứng đầu thế giới ", ông Lập chia sẻ.

Đối với thị trường Hàn Quốc, dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gỗ dán thương mại với phân khúc tầm trung. Kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nên nhu cầu tại thị trường này cũng sẽ khó đoán định. Malaysia - một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang thị trường này trong đó tập trung mạnh vào dòng gỗ dán phủ phim phục vụ cho xây dựng. Với khả năng cạnh tranh cao tại thị trường này, đây cũng là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp Việt.

Thị trường EU cũng được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm nhất định bởi sản xuất nội địa của các quốc gia tại EU khoảng 3,5 triệu m3/năm, ngoài ra, họ còn nhập thêm ở các nước khác. Việc thiếu hụt khoảng 2 triệu m3/năm của thị trường này từ Nga do xung đột Nga - Ukraine sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các nhà máy gỗ dán của Việt Nam. 

Thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã '‘bắt đáy’' từ cuối quý III/2022 và đã kéo dài 4 tháng qua. Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Quang Huy, Chi hội trưởng Chi hội gỗ dán Việt Nam cho rằng, đối với thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng gỗ dán cốp pha phục vụ cho xây dựng sẽ hồi phục trước. Tiếp đến là gỗ dán phủ mặt birch (bạch dương) hoặc poplar (dương) phục vụ cho sản xuất mặt hàng tủ bếp. 

Nền kinh tế toàn cầu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định nhu cầu về gỗ dán của Việt Nam. Nền kinh tế chậm lại, đặc biệt là ở các thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu, có thể làm giảm nhu cầu và tác động đến xuất khẩu. Mức độ cạnh tranh từ các nước sản xuất gỗ dán khác cũng sẽ tác động đến khả năng phục hồi của thị trường xuất khẩu gỗ dán Việt Nam. Nếu các nước khác tăng sản xuất và xuất khẩu ván ép, điều đó có thể làm giảm nhu cầu đối với ván ép của Việt Nam. Việc duy trì sự cân bằng tốt giữa chất lượng và chi phí cũng rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ván ép Việt Nam để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Cùng với đó, việc áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất mới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng cạnh tranh và hiệu quả của các nhà sản xuất ván ép Việt Nam.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang