Việt Nam thực thi hiệp định EVFTA - nhìn từ góc độ quyền con người

author 07:20 18/09/2022

(VietQ.vn) - Bài viết xem xét không chỉ những cơ hội và thành tựu mà còn các thách thức mà Việt Nam cần giải quyết trong việc thực hiện Hiệp định EVFTA trong khi bảo đảm quyền lợi quốc gia qua việc thúc đẩy và hoàn thành những cam kết về quyền con người.

Tóm tắt: Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) từ những năm 1990 sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội cho việc hội nhập quốc tế. Điều này càng cơ bản và quan trọng hơn trong bối cảnh của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và phục hồi kinh tế sau thời kỳ bệnh dịch Covid-19. Bài viết xem xét không chỉ những cơ hội và thành tựu mà còn các thách thức mà Việt Nam cần giải quyết trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) trong khi bảo đảm quyền lợi quốc gia qua việc thúc đẩy và hoàn thành những cam kết về quyền con người.

1. Giới thiệu

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 10 năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của Liên minh châu Âu (EU) tại Đông Nam Á và kể từ đó hai bên đã thiết lập quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, thương mại và phát triển.

Quan hệ hợp tác EU-Việt Nam ngày càng được củng cố, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đóng vai trò địa chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà nhiều quốc gia trên thế giới muốn tạo lập sự ảnh hưởng của mình. Về phần mình, Việt Nam tích cực đàm phán FTA với các đối tác chiến lược như EU.

Đi lên sau một quá trình dài trong hơn ba thập kỷ, Việt Nam đã tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trải qua những thay đổi xã hội đáng kể và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, bất kể đại dịch COVID-19 và là thành viên quan trọng trong ASEAN. EU và các nước thành viên của mình đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này với vai trò là nhà tài trợ chính cho sự phát triển của Việt Nam, đồng thời tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương thông qua thương mại và đầu tư, đào tạo và giáo dục, quản trị và tăng cường hợp tác trong chính sách ngoại giao.

Quan hệ đối tác vững mạnh và toàn diện này đã đạt đỉnh cao bằng việc ký kết Hiệp định Khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) năm 2012 và Hiệp định Thương mại Tự do song phương Việt Nam-EU (EVFTA) năm 2019. Đây là những cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa EU với Việt Nam. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 32 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa EU và Việt Nam.

2. Những cơ hội, thách thức 

EVFTA là hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Ảnh minh họa. 

Để gia nhập những sân chơi như EVFTA, để có được cơ hội phát triển kinh tế, các quốc gia phải chấp nhận những điều kiện của luật chơi chung và một trong những trọng tâm là vấn đề quyền con người và bình đẳng giới - mà cùng với tự do, dân chủ, pháp quyền và phát triển bền vững hiện là những giá trị phổ quát mà 27 nước Liên minh châu Âu đang phấn đấu đạt tới.

Khi đàm phán các hiệp định quốc tế với các nước EU, sự tuân thủ quy định bảo vệ quyền con người thường được EU coi là một điều kiện đối với các nước ngoại khối muốn thiết lập quan hệ hợp tác với EU. Trong thực tế, các điều khoản quyền con người đã được đưa vào trong các hiệp định của EU với hơn 120 quốc gia trên thế giới.

Việc tuân thủ quy định về quyền con người trong các hiệp định này là một điều kiện tiên quyết mà sự vi phạm có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của EU hoặc thậm chí là đình chỉ hiệu lực của hiệp định đó. Trong các hiệp định này cũng quy định về cơ chế và quy trình đối thoại và tham vấn thường kỳ.

EVFTA là hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người, không chỉ bao gồm các nhóm quyền thế hệ thứ nhất, tức là các quyền dân sự và chính trị (quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng,...), mà cả các nhóm quy định thế hệ hai (tức là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền tiếp cận giáo dục, quyền nghỉ ngơi và giải trí,...) và cả các quy định thế hệ thứ ba, tức bao hàm cả các quyền liên quan tới môi trường, an ninh và phát triển. Ba nhóm quyền này không tách rời nhau mà ngược lại có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Điều quan trọng là xác định và nhận biết được tác động và tác hại không mong muốn làm ảnh hưởng đến việc hưởng thụ những quyền con người trên các lĩnh vực dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa được quy định trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như Hiến pháp Việt Nam năm 2013, mà trước hết là quyền sống, quyền lao động, sở hữu trí tuệ, quyền sức khỏe, lương thực-thực phẩm, nước sạch-vệ sinh, nhà ở, giáo dục, khoa học và văn hóa, các tiêu chuẩn lao động, môi trường trong sạch...

Cũng trong vòng ba thập kỷ hội nhập quốc tế và phát triển vừa qua (1986-2016) sau khi trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 1977, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được quy định trong những văn kiện quốc tế về quyền con người, đặc biệt các điều ước quốc tế cơ bản của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, có những chuẩn mực và nguyên tắc ràng buộc liên quan về mặt pháp lý với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam mà phải phù hợp và tuân thủ là Những nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Quyền con người (the UN Guiding Principles on Business and Human Rights). Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng những hiệp định và thỏa thuận về thương mại và đầu tư không làm cản trở họ trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc gia về quyền con người của họ (Nguyên tắc hướng dẫn số 9), đặc biệt không làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói, làm tăng nợ công và nợ nước ngoài, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền con người của nhóm người dễ bị tổn thương như người bản địa, người thiểu số, người khuyết tật, lao động di cư... Trên thực tế, việc toàn cầu hóa đang diễn ra trên khắp thế giới và nhiều hiệp định hay thỏa thuận thương mại tự do và đầu tư song phương hay đa phương ở nhiều nơi đã làm tăng thêm những vụ việc vi phạm.

Quyền lao động (labour rights)

Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn được đề cập đến trong các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA. Tuy nhiên, EVFTA không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động mà tất cả các nước thành viên EVFTA đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi với tư cách thành viên ILO, như các vấn đề lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, cụ thể là họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản.

Người lao động sẽ có thêm việc làm, việc làm sẽ bền vững hơn, người lao động sẽ có thu nhập cao hơn. Ở một góc độ khác, luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau (Việt Nam và EU) cũng sẽ được thực hiện, nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn.

EVFTA quy định rằng các nước thành viên sẽ phải bảo vệ các quyền lao động cơ bản, đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể của người lao động. Các nước không tuân theo tiêu chuẩn quy định sẽ bị phạt về thương mại. Các tiêu chuẩn lao động của ILO được áp dụng với Hiệp định EVFTA không phải là các tiêu chuẩn mới về lao động mà chính là các tiêu chuẩn lao động được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc cơ bản và những quyền tại nơi làm việc (the 1998 Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work), gồm các nhóm quyền quyền tự do kết giao và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (Công ước số 87 và số 98 của ILO); xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 29 và số 105 của ILO); tuổi tối thiểu và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Công ước số 138 và Công ước số 182 của ILO); xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (Công ước số 100 và số 111 của ILO).

8 Công ước của ILO quy định các quyền và nguyên tắc cơ bản gồm: Công ước số 87 về Tự do kết giao và Bảo vệ quyền tổ chức năm 1948; Công ước số 98 về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể năm 1949; Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức năm 1930; Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957; Công ước số 100 về Trả công bình đẳng năm 1951; Công ước số 111 về Phân biệt đối xử (Công việc và Nghề nghiệp) năm 1958; Công ước số 138 về Tuổi tối thiểu năm 1973; Công ước số 182 về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999.

Từ khi gia nhập lại ILO vào năm 1992 đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 25 trong tổng số 190 Công ước của ILO. Trong số 8 công ước cơ bản trên, Việt Nam phê chuẩn 5 công ước gồm các công ước số 29, 100, 111, 138, 182 và đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị phê chuẩn 3 công ước cơ bản còn lại là các công ước số 87, 98 và 105. 

Để nội luật hóa các cam kết trong EVFTA, Quốc hội đã ban hành những văn bản hướng dẫn việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều luật có liên quan như Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật An toàn thực phẩm; Bộ luật Lao động; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015... Ở hai năm đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực, có thể nói nước ta đã hoàn thành cơ bản công tác nội luật hóa. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của các FTA thế hệ mới đặt ra yêu cầu nội luật hóa liên tục và phải thường xuyên rà soát pháp luật trong nước để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.

Để theo dõi, giám sát việc thực hiện EVFTA, có hai cơ chế là cơ chế tham vấn giữa EU và Chính phủ Việt Nam - một ủy ban hỗn hợp sẽ trông coi việc thực thi này và thành lập một nhóm tư vấn trong nước (DAG) để theo dõi, giám sát quá trình thực thi. DAG bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức của người lao động, tổ chức phi chính phủ độc lập, tổ chức xã hội dân sự. Mỗi nhóm DAG sẽ cung cấp tư vấn cho Chính phủ và EU về thực hiện Chương 13. Mỗi nhóm có thể họp một vài lần trong năm, và DAG Việt Nam gặp DAG của EU mỗi năm một lần để trao đổi. Điều này sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho việc theo dõi giám sát việc thực hiện EVFTA.

DAG Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA bao gồm 06 tổ chức thành viên tính đến tháng 3 năm 2022 là: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện giới sử dụng lao động); Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD); Viện Công nhân - Công đoàn (trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV); Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS); Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

3. Kết luận

Vấn đề công đoàn

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện là tổ chức công đoàn duy nhất của người lao động và việc thành lập công đoàn cơ sở hiện nay của công nhân cũng đòi hỏi phải được công đoàn cấp trên thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép thành lập. Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng luật cho phép người lao động tại một doanh nghiệp được thành lập “tổ chức của người lao động” mà không cần phải có sự ủy quyền trước từ bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.

"Tổ chức của người lao động” này có thể chọn đăng ký tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với một cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định. Tất nhiên, công đoàn độc lập không có nghĩa là đứng ngoài luật pháp và không cần đăng ký. Việc đăng ký vẫn là quy định bắt buộc và công đoàn độc lập cũng được hưởng các quyền và nghĩa vụ liên quan đến lao động theo luật lẫn thực tiễn.

Hiệp định EVFTA sẽ bao gồm đòi hỏi về việc Việt Nam phải bảo đảm quyền tự do lập hội, bằng cách cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập. EVFTA sẽ đòi hỏi tất cả các nước tham gia hiệp định này phải điều chỉnh hay sửa đổi luật pháp và tập quán theo những nguyên tắc và quyền lao động căn bản.

EVFTA không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động, nhưng đưa ra yêu cầu về lao động là phải áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO. Đây là FTA thế hệ mới dành nhiều ưu đãi cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhưng chúng ta phải thực thi các cam kết về lao động, công đoàn. Quá trình thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong EVFTA của Việt Nam đạt được một số kết quả bước đầu như hệ thống văn bản pháp quy của nước ta đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết trong Hiệp định, đáp ứng quyền tự do thành lập, tham gia tổ chức đại diện cho người lao động, thực hiện có hiệu quả quyền thương lượng tập thể,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong EVFTA vẫn còn một số hạn chế như vẫn tồn tại khoảng cách giữa luật pháp lao động quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, những quy định trong pháp luật lao động Việt Nam về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết trong EVFTA...

Sở hữu trí tuệ và y tế

Một mối quan tâm lớn khác liên quan đến các quy định của EVFTA về sở hữu trí tuệ là liệu những quy định này có gây hạn chế cho các chương trình y tế công cộng của Việt Nam, ví dụ như chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS, do chi phí thuốc dự kiến tăng hoặc khó tiếp cận hơn hay không. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có “lộ trình” thực hiện phù hợp với “trình độ phát triển và năng lực thực thi” của mình theo với các tiêu chuẩn chung của EVFTA.

Bảo hộ quyền sáng chế ở Chương Sở hữu trí tuệ cũng đáng quan ngại khi chúng khiến cho khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia nghèo hơn ngày càng khó khăn hơn, do việc tăng chi phí và độc quyền có thời hạn cho các loại thuốc đặc trị. Đồng thời, các quy định thực thi quyền tác giả ở chương này cũng gây ra những rủi ro đáng kể cho quyền tự do biểu đạt trên các phương tiện truyền thông mạng.

Vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp (nhãn mác, bao bì, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu...) khá lớn và các thiết chế bảo hộ sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp còn thiếu hiệu quả. Việc bảo hộ chặt chẽ các quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp cũng sẽ dẫn tới những khó khăn trước mắt cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn và người tiêu dùng cũng phải trả giá đắt hơn.

Vấn đề khiếu kiện và xét xử của tòa án

EVFTA vừa xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế khiếu nại lẫn cơ chế tham vấn của cộng đồng đối với các đạo luật liên quan đến quyền lao động. EVFTA trao quyền khởi kiện cho các quốc gia thành viên nếu họ có tranh chấp pháp lý với quốc gia khác về việc vi phạm điều khoản lao động.

Tuy nhiên, các công đoàn, nhóm vận động hoặc liên đoàn thương mại chỉ có thể kiến nghị, vận động hành lang hoặc yêu cầu các quốc gia thành viên thực thi quy định EVFTA chứ họ không phải là chủ thể được trao quyền nộp đơn khiếu nại theo Hiệp định. Điều này trái ngược với việc các nhà đầu tư và các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế lại có thể tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp với các quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia (Investor-State Dispute Resolution - ISDR) nếu như các nhà đầu tư và các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế này cảm thấy họ bị giảm bớt lợi nhuận.

Tất cả những thách thức về vấn đề an toàn lao động, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao động, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong EVFTA sẽ tạo ra không ít thách thức khác đối với doanh nghiệp khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu, vì nếu vi phạm, có thể bị điều tra, bị kiện và bị phạt.

Vũ Ngọc Bình

Cố vấn cao cấp/Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em

(thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam - VUSTA)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang