Rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong EVFTA và vấn đề đáp ứng của Việt Nam

author 11:05 08/09/2022

(VietQ.vn) - EVFTA là cơ hội để ngành hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU được xem là một trong những rào cản khó khăn nhất với các nhà xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản nước ngoài, đặc biệt với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu đặt ra tại Hiệp định này, trong đó có việc đáp ứng các biện pháp SPS.

1. EU - thị trường khắt khe đối với hàng nông sản xuất khẩu

Liên minh Châu Âu (EU) là một thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu nông sản thế giới. EU có tổng dân số khoảng 516 triệu người, mức thu nhập GDP bình quân trên 35.000/năm; mỗi năm, EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Năm 2021, Brazil là nhà cung cấp nông sản chính cho EU, tổng giá trị đạt 13,5 tỷ euro, tăng 19% so với năm 2020. Các mặt hàng nhập từ Brazil có giá trị tăng cao nhất là đậu nành (tăng 50%), cà phê (tăng 25%) và bánh dầu (tăng 13%). Các nước đạt được mức tăng đáng chú ý còn có Indonesia (tăng 1,2 tỷ euro) và Ukraine (tăng 1 tỷ euro). Nhập khẩu từ Vương quốc Anh sụt giảm nghiêm trọng, giảm 3,8 tỷ euro (25%) so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm, giảm 366 triệu euro (4%). Nông sản Việt Nam vào thị trường EU năm 2021 tuy có tăng những vẫn chỉ chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của thị trường giàu có này.

Là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu nông sản thế giới, mức độ cạnh tranh ở thị trường này rất cao. Đây đồng thời là một thị trường khó tính bậc nhất thế giới với những quy định cao về hàng hoá mà các nhà xuất khẩu phải đáp ứng.

UNCTAD (2012) định nghĩa các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) là những biện pháp được áp dụng để bảo vệ sức khoẻ hoặc tính mạngcủa con người, động vật và thực vật. Theo quy định của WTO, các biện pháp SPS được áp dụng phải căn cứ vào các nguyên tắc khoa học, không phân biệt đối xử và không gây cản trở bất hợp lý cho thương mại. WTO khuyến khích các nước dùng các tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế nếu có.

Hàng nông sản xuất khẩu của các nước muốn vào được thị trường EU phải đáp ứng được những yêu cầu chất lượng rất cao. Ảnh minh họa.

Từ trước đến nay, hàng nông sản xuất khẩu của các nước muốn vào được thị trường EU phải đáp ứng được những yêu cầu chất lượng rất cao của khối, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp... Các biện pháp SPS của EU hầu hết được hài hoà hoá và quản lý ở cấp Liên minh, chỉ 2% các biện pháp được các nước thành viên áp dụng riêng và cho một số sản phẩm cụ thể. Các quy định của Liên minh tuân theo Hiệp định SPS của WTO và dựa trên tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế. EU và các thành viên tham gia vào Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Codex) và Tổ chức Thú y thế giới (IOE), đồng thời cũng ký kết Công ước Bảo vệ Thực vật quốc tế (IPPC). Tuy nhiên, trên thực tế các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU khắt khe hơn so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế nói trên và các nước khác. Các tiêu chuẩn đó đại đa số do Uỷ ban EU ban hành (một số trường hợp là quy định riêng của nước thành viên), cùng với yêu cầu bổ sung của các nhà nhập khẩu hoặc người mua EU. Tổng thể những yêu cầu này khiến các biện pháp SPS của EU trở thành một trong những rào cản khó khăn nhất với các nhà xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản nước ngoài, đặc biệt với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn của EC đối với hàm lượng độc tố nấm Aflatoxin trong ngũ cốc và các loại hạt, chủ yếu là lạc, khắt khe hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Codex: năm 1997 với lý do bảo vệ sức khoẻ người dân, EC đã giảm hàm lượng cho phép xuống mức 4ppb (riêng B1 là 2ppb), trong khi tiêu chuẩn của Codex là 9ppb. Các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, các rào cản kỹ thuật đối với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn...

Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), có một chương quy định về Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Chương 6), bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam/EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (các quy định, thủ tục nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động thực vật) đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.

Về nội dung, bên cạnh việc nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ về SPS theo WTO, Chương 6 còn bổ sung thêm một số cam kết mới, trong đó đáng chú ý là: Cam kết về việc áp dụng thống nhất các biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia; Thống nhất về cơ quan có thẩm quyền quản lý SPS của Việt Nam và EU; Cam kết về việc miễn kiểm tra SPS với cơ sở sản xuất; Quy trình công nhận tương đương các biện pháp SPS của nhau; Biện pháp SPS khẩn cấp. Hiệp định EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp SPS, hầu hết các cam kết chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định SPS của WTO. Mặc dù những biện pháp SPS khắt khe là rào cản cần phải vượt qua song EVFTA vẫn được đánh giá là mang lại cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào EU nhờ đại đa số hàng rào thuế quan hoặc được về 0 ngay hoặc giảm theo lộ trình 3-7 năm.

EVFTA quy định mỗi bên cần thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm đáp ứng các yêu cầu SPS theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên còn lại. Thời gian công nhận tương đương là 3 tháng kể từ thời điểm nhận được đề nghị, rút ngắn còn nửa thời gian so với quy định 6 tháng của WTO.

EVFTA cũng quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành. Việt Nam được lựa chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU: Thứ nhất, EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp này. Thứ hai, Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận. Cuối cùng, EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam đáp ứng được biện pháp SPS.

Về các biện pháp SPS khẩn cấp, do gắn với các vấn đề về dịch tễ vốn không phải luôn dự đoán trước được, bên cạnh các biện pháp SPS có tính ổn định (ví dụ dư lượng kháng sinh thủy sản, yêu cầu an toàn thực phẩm với sản phẩm đóng hộp...), có nhiều biện pháp SPS bất thường, khẩn cấp, gắn với các dịch bệnh bất ngờ. EVFTA có các cam kết riêng về SPS khẩn cấp, với mục tiêu vừa bảo đảm khả năng phản ứng nhanh với các trường hợp rủi ro cao về dịch tễ, đồng thời tránh hiện tượng lạm dụng, hạn chế tối đa các tác động không cần thiết đối với thương mại.

Nhìn chung, Chương 6 chỉ nêu những nguyên tắc chung về kiểm soát SPS. Việc triển khai các biện pháp kỹ thuật về SPS sẽ do từng nước quy định với nguyên tắc là: Không được lợi dụng rào cản SPS để tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và không được áp đặt các chỉ tiêu và mức giới hạn kiểm soát về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động, thực vật... Như vậy, EVFTA không giúp giảm bớt các yêu cầu SPS của thị trường khó tính này. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc thực thi Hiệp định EVFTA chính là sự tiếp nối trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này từ phía EU. Trong khi đó, nghiên cứu của World Bank (2018) cho thấy chi phí thương mại và tỷ lệ chi phí của các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khối ASEAN khác; số lượng văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục và biểu mẫu về các biện pháp phi thuế quan cao hơn nhiều so với các nước được so sánh. Chỉ số thuế quan giá trị tương đương (AVE) đối với các biện pháp phi thuế quan (bao gồm cả SPS và TBT) của Việt Nam là 22%, trong khi trung bình các nước ASEAN là khoảng 13%. Điều này dẫn đến chi phí thương mại tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, Việt Nam có nguy cơ vi phạm các điều khoản trong Chương 4 của Hiệp định về Hải quan và tạo thuận lợi thương mại.

Báo cáo: “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA trong ngành nông nghiệp – Góc nhìn của cơ quan Nhà nước” đã chỉ ra những cơ hội và thách thức mà EVFTA đem lại cho nông nghiệp Việt Nam như sau:

Cơ hội: Mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông sản chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan; Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; Đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam & Cơ hội thu hút lựa chọn đầu tư từ nước ngoài vào khu vực nông nghiệp; Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và tuân thủ các quy định SPS và TBT; Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Thách thức: Gia tăng cạnh tranh với hàng nông sản nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm; Quy định SPS/TBT và các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế; Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin...; Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn về các yếu tố quan trọng khác (các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, môi trường...); Thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại.

Thêm vào đó, chúng ta cần chú ý đến xu hướng tiêu dùng xanh đang được đẩy mạnh ở châu Âu, điều đó sẽ dẫn đến những yêu cầu về SPS và TBT sẽ tiếp tục có những thay đổi. Việc đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng khi hàng nông sản Việt Nam từng nhiều lần bị từ chối hoặc cảnh báo do vi phạm các quy định SPS của EU. Trong những tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021, hàng nông sản Việt Nam tại EU nhận cảnh báo nhiều nhất là về dư lượng hóa chất (47,5%)10. Mặt khác, cơ cấu nông sản xuất khẩu hiện tại cho thấy một số vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp Việt Nam: quá phụ thuộc vào một số sản phẩm (tập trung vào 3 nhóm cà phê, trái cây và hạt tiêu), đa số mặt hàng xuất khẩu ở dạng thô có giá thấp, tỷ lệ chế biến sâu chưa cao, thiếu năng lực về vốn và kỹ thuật, chưa quan tâm đúng mức đến bảo hộ trí tuệ và xây dựng thương hiệu; về mặt quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu thông tin và hướng dẫn về thị trường trong khi những quy định của EU thường xuyên thay đổi, phải vượt qua nhiều rào cản phi thuế quan hơn so với mức trung bình của các nước ASEAN... Nhìn chung, nông sản Việt Nam vẫn vượt rào cản để vào thị trường EU. Điều quan trọng là cần tận dụng tốt cơ hội EVFTA mang lại để gia tăng thị phần nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính này trước khi các nước xuất khẩu cạnh tranh với chúng ta đạt được một FTA với EU.

2. Tận dụng EVFTA đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam

2.1. Xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU từ khi EVFTA có hiệu lực

Trong nhiều năm, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn SPS và TBT để lên kệ hàng tại các nước EU. EVFTA chỉ giúp loại bỏ hầu hết hàng rào thuế quan trong khi những hàng rào phi thuế quan vẫn giữ nguyên. Đối với Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của hàng nông sản. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang EU hơn 2,2 tỷ USD các mặt hàng nông sản chủ lực (gồm hạt điều, hạt tiêu, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo, cà phê, chè) (xem bảng 1). Hàng nông sản xuất khẩu vào EU của Việt Nam chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản cả nước. Ngược lại, đối với EU, tổng giá trị hàng nông sản nhập từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% tổng giá trị nhập khẩu ngành hàng này của khối. Con số ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.

EVFTA, có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, là cơ hội để hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường quan trọng này. Theo thoả thuận của Hiệp định, ngoại trừ một số ít mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan, các mặt hàng khác, bao gồm các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều được hưởng được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Sau 3 đến 7 năm, thuế suất mặt hàng này cũng sẽ về 0%. Hầu hết các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng ưu đãi thuế khi nhập vào EU: 520 trong số 556 dòng thuế về 0%. Thuế đối với hạt điều, cà phê, hạt tiêu đều về 0% ngay sau khi thực thi hiệp định. Với rau quả, phần lớn các dòng thuế mà EU cam kết xóa bỏ ngay đều đang có mức thuế theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) trung bình là trên 10%, cá biệt, có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Bên cạnh giảm thuế đối với các mặt hàng cụ thể, EU còn có cơ chế bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam như: vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, chè Tân Cương, nho Ninh Thuận, xoài Hòa Lộc, quýt Bắc Cạn, gạo Hải Hậu... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nông sản Việt khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Điều này đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam so với các nước xuất khẩu có mặt hàng tương đồng.

Tác động tích cực của EVFTA được chứng minh bằng số liệu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU giảm 5,4% so với năm 2019, chỉ đạt 3,39 tỷ USD do tác động của đại dịch COVID-19. Xu hướng đã thay đổi ngay khi EVFTA đi vào hiệu lực, khối lượng một số mặt hàng nông sản vào EU đã gia tăng: cao su (từ hơn 6,6 triệu USD tháng 7/2020 lên gần 7,1 triệu USD tháng 8/2020; cà phê (từ gần 56,5 triệu USD lên hơn 64,1 triệu USD)14. Tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU tăng 11,9% so với tháng 7/2020; tháng 9/2020, tăng tới 35% so với tháng 8/2020. Trung bình giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2021, giá trị nông sản xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng trưởng ở mức 10% đạt 486 triệu USD (số liệu Bộ Công thương)15. Năm 2021, kim ngạch các mặt hàng nông sản chủ yếu vào EU đều ghi nhận tăng.

Nguồn: Tác giả tổng hợp theo: Tổng cục Thống kê, Trị giá xuất khẩu phân theo một số nước, khối nước và vùng lãnh thổ chủ yếu và phân theo mặt hàng chủ yếu sơ bộ các tháng năm 2020, 2021. 

Tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng, các mặt hàng đã tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA điển hình là cao su (tăng từ hơn 92,5 triệu USD năm 2020 lên gần 168,7 triệu USD năm 2021), hạt tiêu (tăng từ 84,0 triệu USD lên 150,1 triệu USD). Trong khi đó dù không tăng trưởng mạnh mẽ như hạt tiêu và cao su, hạt điều và cà phê vẫn là hai mặt hàng chi phối, chiếm tỷ lệ lần lượt là 31,43% và 46,38%. Năm 2021, rau quả Việt Nam có thêm một số loại trái cây như vải, nhãn tươi được các nước Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức chấp nhận, trong khi đó một số hoa quả khác như thanh long, mít, xoài, bưởi cũng đang được đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang EU. Nhờ việc hưởng các ưu đãi theo EVFTA, hàng nông sản Việt Nam có cơ hội vươn lên giành thị phần lớn hơn tại thị trường khó tính này.

Trong năm 2022, các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn tiếp tục đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường EU và vẫn còn nhiều không gian tăng trưởng. Trong đó, cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có. Cao su được hỗ trợ bởi mức giá duy trì cao từ 2021 đến nay hứa hẹn đem lại mức kim ngạch tốt cho xuất khẩu nói chung và vào thị trường EU nói riêng. Với hàng rau quả, nhu cầu trái cây của EU có xu hướng ngày càng tăng, do đó Việt Nam cần khai thác để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Về hạt tiêu, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU xoá bỏ thuế quan với sản phẩm này, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biết từng chịu mức thuế từ 5-9%. Ngoài ra, nếu các nhà đầu tư EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, sự di chuyển này sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu EU. Đối với hạt điều, trước khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng điều nhân vẫn hưởng ưu đãi là 0% khi xuất sang EU, nhưng hàng điều chế biến sâu vẫn chịu thuế từ 7 - 12%. EVFTA cam kết sẽ giảm thuế xuống 0% với những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều, do đó sản lượng và giá trị xuất khẩu điều sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Với gạo, tuy EU không phải là thị trường chính của gạo nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo vào EU tăng đều trong những năm gần đây. Cơ hội của mặt hàng này còn nhiều nhờ chất lượng đã cao hơn, có lượng khách hàng truyền thống tại các nước như Đức, Hà Lan, Italia và Ba Lan, thức ăn châu Á có xu hướng phổ biến hơn tại EU, đồng thời còn chưa sử dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn được ưu đãi thuế suất 0%.

2.2. Đáp ứng tiêu chuẩn SPS đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, được biết đến với nhiều sản phẩm nổi bật, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính nhất. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA với các đối tác và là một trong bốn nước châu Á đã có FTA với EU. EVFTA có hiệu lực vào thời điểm nông nghiệp Việt Nam đang rất cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Hiệp định đem lại cho nông nghiệp Việt Nam những cơ hội to lớn để phát triển, mở rộng xuất khẩu và tham gia sâu vào thị trường thế giới. Trong các FTA đã có hiệu lực, EVFTA là hiệp định được doanh nghiệp tận dụng tương đối hiệu quả.

Với cam kết trong EVFTA, doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được yêu cầu mà các nước EU đặt ra tại Hiệp định này. Dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật linh hoạt nhưng EU còn có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa ưu đãi do EVFTA mang lại. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp nông xuất khẩu “cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ những yếu tố đầu vào, đồng thời, liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu."

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm hiểu các quy định về SPS và TBT của EU liên quan đến sản phẩm của thị trường; từ đó có những đầu tư, điều chỉnh trong sản xuất và chế biến, nhất là công nghệ bảo quản,... sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí, giúp sản phẩm vào thị trường thuận lợi đồng thời nâng cao được tên tuổi, uy tín của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động khắc phục tình trạng sản xuất mạnh mún, thiếu liên kết của nống dân và doanh nghiệp để giải quyết tình trạng giống không đồng nhất, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý và thiếu kiểm soát. Chẳng hạn, nhiều công ty đã liên kết với nhiều nông dân và hợp tác xã ở các địa phương nhằm tạo ra vùng sản xuất sạch theo quy chuẩn, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, tới nay việc thay đổi thói quen canh tác của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn khi người dân vẫn có thói quen dùng phân bón vô cơ làm chủ đạo. Hệ quả là nhiều loại nông sản bội thu, không tìm được đầu ra trong khi doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng.

Tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nông sản ổn định... Nhiều địa phương đã thực hiện liên kết 4 nhà để thay đổi theo hướng sản xuất sạch. Chẳng hạn, theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang chuyển dần sang các mô hình ít sử dụng phân bón hoặc chỉ sử dụng phân hữu cơ và hướng đến không phun xịt thuốc trừ sâu. Cụ thể như mô hình lúa - tôm sinh kế cho người dân vùng lũ, luân canh 1 vụ lúa đông xuân - 1 vụ tôm càng xanh bằng cách làm mới luân canh lúa - tôm càng xanh có nhiều ưu điểm hơn trước; mô hình lúa - sen khi nông dân gieo cấy vụ lúa đông xuân và trồng sen vào vụ còn lại mỗi năm; mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) với quy mô 66,5ha... Hay tại tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhiều đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương triển khai một số mô hình sản xuất giảm chi phí đầu vào, nhất là giảm phân bón và thuốc trừ sâu. Trên cơ sở đó, Tỉnh sẽ đánh giá, chọn một số mô hình hiệu quả để thực hiện rộng rãi. Nhiều địa phương có chính sách ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ chế biến nông sản thực phẩm, gồm máy sấy, kho trữ lạnh bảo quản sản phẩm, máy đóng gói... cho một số cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp...

Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có  giá trị gia tăng cao. Từ năm 2017, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học... lựa chọn giống cây trồng tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phục tráng, lai tạo các giống cây, con chất lượng bảo đảm đưa vào sản xuất; đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu. Kế hoạch này giúp nông sản Việt Nam dễ dàng đáp ứng yêu cầu SPS của các thị trường xuất khẩu.

Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đã xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là năm 2025 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 5 - 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%, mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%. Mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%.

Về phổ biến thông tin, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động phối hợp đối với các đơn vị như trường đại học, viện nghiên cứu để tổ chức các diễn đàn thông tin kịp thời về các quy định SPS trong EVFTA, RCEP, và các quy định của thị trường nhập khẩu đối với thực phẩm và nông sản làm thực phẩm, đến cơ quan quản lý, khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu nông lâm thủy sản...

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, nhìn chung Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, một nội dung quan trọng đó là sự kết nối, tham gia giữa các bộ ngành và địa phương trong việc thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của bà con nông dân; nâng cao kiến thức và đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản và thực phẩm, nhất là những sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao; với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư sẽ không dễ dàng nên cần có sự liên kết với nhau và có sự hỗ trợ của Nhà nước...

Ngoài những giải pháp trong sản xuất, sơ chế, chế biến, ở góc độ quốc gia, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường xuất khẩu để có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, để tránh việc nông sản Việt Nam bị EU áp các rào cản kỹ thuật không hợp lý hay phải chịu những quy định cao hơn như trên đã đề cập; các cơ quan có trách nhiệm cần theo dõi và thông tin nhanh nhạy với doanh nghiệp về các biện pháp SPS khẩn cấp, để nhà sản xuất kịp thời điều chỉnh đáp ứng yêu cầu, tránh được nguy cơ bị trả hàng hoặc cảnh báo; xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật; đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị các sản phẩm vào thị trường các nước...

Kết luận

EU là một thị trường xuất khẩu quan trọng thứ ba của hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, tổng giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 4% tổng nhu cầu nhập khẩu của khối. Nông sản Việt Nam đã tới hầu hết thành viên của EU, trong đó tập trung chủ yếu vào một số nước gồm Đức, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan. EVFTA là cơ hội để ngành hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường quan trọng này. Từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã tăng mạnh.

Để tận dụng được cơ hội EVFTA mang lại, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi, từ doanh nghiệp, nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước... từ đó tổng giá trị xuất khẩu nông sản vào EU đã được nâng cao, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực. Tuy vậy, còn rất nhiều việc cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này, nhất là liên quan đến những vấn đề nội tại của nông nghiệp Việt Nam, từ đó tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản vào EU, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhất là sản phẩm chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam ở châu Âu, từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

ThS.Trần Thị Khánh Hà - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang