Vietnam Airlines kiến nghị áp giá sàn vé máy bay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

author 07:07 12/08/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia kinh tế lo ngại, việc áp giá sàn đối ngành hàng không sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, triệt tiêu động lực cạnh tranh của các hãng và vi phạm nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Cụ thể, do chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đã kiến nghị áp giá sàn lên Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng trong ngành đã yêu cầu các hãng hàng không như Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines giải trình việc thực hiện Luật cạnh tranh và Luật giá.

Lý do được đưa ra là VNA lỗ lớn trong đại dịch Covid-19, nếu các hãng tiếp tục bán vé giá thấp sẽ ảnh hưởng đến VNA nói riêng và ngành hàng không nói chung. Xa hơn nữa là dẫn đến sự suy của hàng không Việt Nam khi mở lại đường bay quốc tế cạnh tranh với hãng nước ngoài.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, áp dụng giá sàn vé máy bay là không hợp lý, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, chuyện giá sàn, giá trần đã quá lỗi thời. Nên bỏ cả giá trần, không nên áp giá sàn và cũng không nên đặt vấn đề trên hay dưới giá thành. 

Việc áp giá sàn đồng loạt là triệt tiêu tự do cạnh tranh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến chủ trương kích cầu ngành du lịch (chiếm 12% GDP) và quá trình phục hồi của nền kinh tế. 

Việc áp giá sàn vé máy bay của ngành hàng không không những ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng mà còn không đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các hãng. Ảnh minh hoạ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng VNA vừa được Chính phủ hỗ trợ khoản vay đặc biệt 4.000 tỉ đồng lãi suất 0% trong 3 năm giữa tình hình dịch bệnh Covid-19. Khoản vay này nằm trong  vốn ngân sách nhà nước, là thuế của dân. Tức là bình quân mỗi người dân đã hỗ trợ VNA 40.000 đồng. VNA không thể tri ân người dân, khách hàng bằng cách đề nghị nâng giá vé của toàn ngành hàng không. Trong khi các hãng khác không được hỗ trợ khoản vay này vẫn tiếp tục giảm giá, kích cầu và không đề nghị áp giá sàn.

Hiện nay cả nước có 06 hãng hàng không chở khách, riêng VNA Group có tới 03 hãng. Khoản 1 điều 11 Luật cạnh tranh quy định: "Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể".

Cùng với việc được tạo lợi thế cạnh tranh kể trên, các chuyên gia cho rằng thay vì "nghiên cứu" giá sàn hay khung giá vé bay, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh của chính VNA.

Việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như cản trở khôi phục việc đi lại sau dịch bằng hàng rào giá vé máy bay không còn rẻ. Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, quyền lựa chọn là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc áp dụng mức giá sàn là tước đi cơ hội tiếp cận giá rẻ của người tiêu dùng mà hiện nay họ đang được hưởng, nhờ giải pháp kích cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thu nhập thấp, nhờ giá vé rẻ mà tiếp cận được dịch vụ hàng không, giúp họ đi lại nhanh chóng, thuận tiện, đặc biệt là trong những trường hợp khẩn cấp. Do vậy, ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không đồng tình với đề xuất áp giá sàn vé máy bay của VNA.

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, mỗi hãng có mô hình, phương thức kinh doanh khác nhau. Có hãng lấy chất lượng phục vụ để cộng vào giá; có hãng lấy doanh thu, lợi nhuận từ các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ "ăn theo" vận chuyển khách để bù cho khoản giảm giá vé; có hãng lấy doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ đầu vào cho hàng không để bù vào giá vé...

Vì vậy, khi kiểm soát giá vé cần phải tính đầy đủ và khoa học các yếu tố hình thành, các yếu tố bù trừ giá vé và đặc trưng mang tính mùa vụ, thời điểm của thị trường. Đồng thời, không can thiệp vào quyền quyết định về giá của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết theo điểm B khoản 3 điều 19 Luật giá quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không thuộc danh mục do Nhà nước định giá. Cụ thể, Nhà nước định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền.

Về thẩm quyền quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam nêu rõ hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, việc xem xét điều chỉnh khung giá bao gồm giá trần và giá sàn dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Còn về nguyên tắc định giá nhà nước, theo Luật giá là giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đồng thời, giá được kịp thời điều chỉnh khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Đối với chấp hành kê khai giá vé máy bay, các doanh nghiệp hàng không có trách nhiệm kê khai với Bộ Giao thông vận tải trước khi cung ứng dịch vụ hoặc trước khi ký hợp đồng cung ứng dịch vụ. Đồng thời, các hãng hàng không cũng phải có trách nhiệm niêm yết công khai giá vé bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có).

Theo điều 6 khoản 2 và 3 của Luật cạnh tranh: Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 5 Luật hàng không quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng: Cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang