Vĩnh Phúc tạm giữ gần 600 sản phẩm, phụ kiện thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất

author 16:08 23/06/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc vừa tạm giữ lượng lớn phụ kiện thuốc lá điện tử tại một cửa hàng kinh doanh hàng hóa.

Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong công tác tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với Cửa hàng Hoang De Store - Vapepod systeam, địa chỉ đường 301, Bảo Sơn, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Dương Văn Hoàng năm 1996 làm chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán, kinh doanh hàng hoá gồm gần 600 sản phẩm phụ kiện thuốc lá điện tử cụ thể: 40 thiết bị nung nóng tinh dầu Aspire; 10 thiết bị nung nóng tinh dầu Aspire RIIL X; 40 thiết bị nung nóng tinh dầu FEELIN A1; 20 thiết bị nung nóng tinh dầu XLIM SE; 192 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử XLIM Cartridge; 18 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử Baby 0.7 Ω; 50 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử Nevoks SPL 0.6 Ω; 27 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử Lost Vape 0.8 Ω; 40 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử Aspire TSX POD 1.0 Ω; 100 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử Tropical House loại 50mg; 60 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử LUCY 3000.

Toàn bộ số hàng hóa trên do Trung Quốc sản xuất “Made in China” có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên chờ xác minh, xử lý theo quy định.

 Một cửa hàng kinh doanh phụ kiện thuốc lá điện tử bị tịch thu toàn bộ sản phẩm. Ảnh: Cục QLTT Vĩnh Phúc

Thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá nên việc mua bán, kinh doanh mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện như khi kinh doanh mua bán thuốc lá.

Ngành nghề kinh doanh thuốc lá theo quy định của pháp luật Việt Nam là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi thực hiện hoạt động kinh doanh mua, bán chủ thể phải đáp ứng các điều kiện sau tại khoản 3, Điều 26, Nghị định 67/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 106/2017/NĐ-CP:

Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ thể phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua bán sản phẩm của thuốc lá theo quy định tại Khoản 3, Điều 27, Nghị định 67/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 106/2017/NĐ-CP bao gồm các hồ sơ sau:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế; Bản sao các văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh; Hồ sơ về địa điểm kinh doanh

Như vậy, pháp luật Việt Nam không cấm hành vi mua bán thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Tuy nhiên không phải chủ thể nào cũng được phép kinh doanh mua bán thuốc lá, mà chỉ có những chủ thể đáp ứng được những điều kiện của quy định pháp luật mới được phép kinh doanh.

Ngoài ra việc mua bán thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá nói chung theo quy định của pháp luật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do đó chủ thể phải có giấy phép kinh doanh nếu không sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp được quy định tại Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP khi: Không có giấy phép kinh doanh; Có giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hiệu lực; Không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh; Sử dụng giấy phép kinh doanh của chủ thể khác kinh doanh.

Căn cứ Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu (bao gồm xì gà, các dạng thuốc lá thành phẩm khác) được coi là hành vi buôn bán hàng cấm. Do đó, tùy thuộc vào giá trị của lô hàng hóa mà không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có số tiền phạt tương ứng theo quy định tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả Điều này.

Chủ thể có các hành vi vi phạm về bán sản phẩm thuốc lá, tùy theo các hành vi khác nhau như bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, không treo biển thông báo… sẽ có hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quản khác nhau được quy định tại Điều 23, Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang