Vũ khí gây mất điện của Hàn Quốc chế tạo khủng khiếp tới mức nào?

author 16:04 09/10/2017

(VietQ.vn) - Hàn Quốc tuyên bố công nghệ vũ khí này sẽ chỉ gây thiệt hại và làm tê liệt các hệ thống điện lưới bằng các sợi carbon graphite siêu nhỏ.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Mới đây, một số nguồn tin cho biết Hàn Quốc đang sắp hoàn tất công nghệ cho phép Seoul có thể chế tạo loại bom được gọi là “bom mất điện”. Loại bom này có khả năng làm tê liệt hệ thống điện lưới của đối phương trong trường hợp xung đột quân sự nổ ra.

Công nghệ này được Cơ quan phát triển quốc phòng nghiên cứu và phát triển trong khuôn khổ chương trình phát triển hệ thống tấn công ưu tiên mang tên gọi “Chuỗi tiêu diệt”. Phía Hàn Quốc tuyên bố công nghệ này sẽ chỉ gây thiệt hại và làm tê liệt các hệ thống điện lưới bằng các sợi carbon graphite siêu nhỏ.

Loại bom này còn được gọi là “bom mềm” bởi nó chỉ gây thiệt hại duy nhất cho các hệ thống điện lưới và được Mỹ sử dụng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh vùng vịnh ở Iraq năm 1990 – 1991, sau đó là NATO tại Serbia năm 1999.

Bộ quốc phòng Hàn Quốc dự định sẽ chi thêm 436.000 USD, tương đương khoảng 10 tỷ đồng, cho dự án này vào năm 2018, nhưng hiện tại Bộ tài chính Hàn Quốc chưa đồng ý với khoản chi này.

Loại bom mới của Hàn Quốc có khả năng làm tê liệt hệ thống điện lưới của đối phương

Ý tưởng đằng sau bom xung điện từ hay bất kỳ vũ khí xung điện từ nào khác khá đơn giản. Về cơ bản, loại hình vũ khí này được thiết kế để tạo ra một điện từ trường cường độ mạnh, nhằm làm quá tải và phá hủy các dòng mạch điện. Bản chất của một điện từ trường cũng không có gì đặc biệt: thực tế, chúng ta luôn được bao bọc bởi năng lượng điện từ dưới nhiều dạng, như sóng đài phát thanh, sóng điện thoại di động, ánh sáng, vi sóng hay sóng x-quang.

Điều quan trọng cần chú ý ở đây là, dòng điện từ sẽ tạo ra các điện từ trường và sự thay đổi trong các điện từ trường có thể tạo ra dòng điện từ. Ví dụ, một đài rađio đơn giản có thể tạo ra một điện từ trường bằng cách biến đổi dòng điện từ chạy qua các mạch của nó. Mặt khác, điện từ trường này có thể tạo ra dòng điện từ ở vật dẫn khác, như là ăng-ten thu sóng rađiô. Nếu tín hiệu điện từ biến động và biểu thị cho một thông tin cụ thể, đầu thu sẽ có khả năng giải mã nó.

Dòng phát sóng rađiô có cường độ yếu chỉ đủ để tạo ra dòng điện từ truyền tín hiệu đến đầu thu. Tuy nhiên, nếu tăng cường độ tín hiệu (từ trường) lên đáng kể, nó sẽ có khả năng tạo ra một dòng điện từ mạnh hơn nhiều. Một dòng điện đủ mạnh có thể làm cháy các bộ phận bán dẫn bên trong máy rađiô và qua đó phá hủy chúng đến mức không thể sửa chữa được nữa.

Tất nhiên, cái đích mà chúng ta hướng đến không đơn giản chỉ là việc phá hủy một máy rađiô. Điều đáng quan tâm ở đây là, một từ trường biến thiên có khả năng tạo ra một luồng điện cực mạnh trong bất kỳ vật dẫn điện nào khác, như là dây điện thoại, dây cáp điện hay thậm chí cả các ống dẫn làm bằng sắt. Các vật dẫn này vô tình trở thành ăngten truyền tải dòng điện khổng lồ này cho các thiết bị điện khác được kết nối với chúng (ví dụ, các máy tính được cắm vào dây điện thoại). Một luồng điện đủ lớn chạy qua có thể khiến cho các thiết bị bán dẫn bị cháy rụi, làm tan chảy các dây dẫn và pin, hay thậm chí là gây cháy nổ các máy biến thế.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang