Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: Nhà khoa học tranh cãi, Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện

author 06:14 27/07/2017

(VietQ.vn) - Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện tác động môi trường của dự án nhận chìm trong khi các nhà khoa học còn tranh cãi trong phương pháp xử lý chất nạo vét, bùn thải.

Chính phủ yêu cầu báo cáo sớm về tác động môi trường

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7732/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Phó Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành (trường hợp cần thiết, có thể mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia) khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật, chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến cảng chuyên dùng của Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Quá trình trên bao gồm cả việc rà soát lại các nội dung liên quan của Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án nhận chìm ở biển đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chấp thuận. Kết quả phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện tác động môi trường từ dự án nhận chìm bùn thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Sỹ Tùng, Chánh văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết Viện đã nhận được văn bản của Chính phủ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đang khẩn trương phối hợp các cơ quan liên quan, các nhà khoa học thực hiện đánh giá độc lập tác động môi trường của dự án nhận chìm chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Đồng thời, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã họp với các Viện nghiên cứu thành viên, các cơ quan liên quan để tổ chức việc thành lập các tổ chuyên môn, huy động các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Được biết, Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực đáy biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhận chìm.

Quan điểm không thống nhất từ các nhà khoa học

Trước sự xôn xao của dư luận về việc Bộ TN-MT cấp phép nhận chìm, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản gửi các cơ quan trung ương cân nhắc kỹ việc này. Quan điểm của Bình Thuận là nên dừng việc nhận chìm, tìm giải pháp khác hợp lý hơn.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng đề xuất dùng chất nạo vét để làm kè lấn biển những nơi sạt lở và cho đây là phương án đúng đắn.

“Vấn đề là làm kè này sao cho nghiêm chỉnh. Nên tính toán vùng nào xây kè, vùng nào sạt lở nghiêm trọng thì kè phải được đóng cọc kiên cố, bền vững để tránh bể cọc, bể bờ”, ông Phạm Văn Chi nhận định.

PGS-TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam thì cho rằng cần nghiên cứu kỹ vì đây không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn chi phí. Cần có chuyên gia am hiểu thực tiễn địa phương, lý luận và công nghệ để tư vấn cho dự án nhận chìm bùn thải được nạo vét.

Ở một ý kiến khác, TS Lê Đình Mầu, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định sẽ rất tốt nếu tận dụng chất nạo vét đề bồi đắp cho vùng bờ vì vừa bảo vệ bờ vừa lấn được biển.

“Xây kè bao lại rồi hút đưa chất nạo vét từ sà lan vào đấy thì lý tưởng nhất, tôi ủng hộ hoàn toàn. Nhưng chỉ lấn biển thôi chứ đưa lên bờ là không được vì sẽ ngấm mặn xung quanh”, TS Mầu cho hay. Tuy nhiên, điều mà TS Mầu lo ngại là phương án xây kè này tốn kém hơn rất nhiều so việc dùng sà lan thả xuống biển; ngành thủy lợi, xây dựng phải thiết kế kè để phù hợp với điều kiện tự nhiên…

Các nhà khoa học có quan điểm khác biệt về vấn đề sử dụng chất nạo vét làm bờ kè lấn biển. Ảnh minh họa 

Trái với quan điểm muốn dùng chất nạo vét để làm kè lấn biển, TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) lại cho rằng phương án này không hợp lý. Theo TS Ca, các khu vực bờ biển đang ở vị trí cân bằng. Làm kè đổ cát lấn biển tại một khu vực sẽ phá vỡ cân bằng hiện có, làm cho các khu vực lấn biển rất khó bảo vệ, không có bãi và gây xói lở ở các khu vực bờ biển cạnh đó.

Sóng lớn sẽ đánh tan kè. Trong khi bãi cát tự nhiên có khả năng tiêu tán 90% năng lượng sóng thì kè lấn biển bằng đá hoặc bê-tông chỉ tiêu tán được 20%-30%. 70%-80% sóng phản xạ trở lại khiến sóng trở nên rất mạnh và phá hủy kè rất nhanh. Hơn nữa, lấn biển là phá hoại vĩnh viễn một vùng biển, khác với việc nhận chìm bởi khi nhận chìm, nếu là đáy cát thì tại khu vực nhận chìm hệ sinh thái sẽ phục hồi khá nhanh. Để bảo vệ bờ, cần phải thuận theo tự nhiên.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cũng cho rằng phải dựa trên khoa học, tính toán hết sức kỹ càng về phương án làm kè lấn biển ở nơi sạt lở, không vội thực hiện ngay để tránh hậu quả đáng tiếc.

 Phong Lâm

Lập lờ khái niệm nhận chìm, có thể xử lý hình sự?(VietQ.vn) - TS Nguyễn Tác An cho rằng khái niệm nhận chìm là lập lờ, che mắt dư luận và việc cho khảo sát, đánh giá và nghiên cứu thêm về vùng biển cho nhận chìm là điều rất cần thiết.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang