Vụ sập cầu Ghềnh: Hoàn thành trục vớt cầu sập trước 2/4

author 06:50 29/03/2016

(VietQ.vn) - Trước ngày 2/4, cầu Ghềnh trong vụ sập cầu Ghềnh trước đó ở Đồng Nai sẽ được trục vớt xong.

Sáng 27/3, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đã bắt đầu thực hiện trục vớt cầu Ghềnh. Công tác trục vớt gặp rất nhiều khó khăn do dòng nước chảy xiết.

Trước đó, ngày 26/3, thợ lặn của đơn vị được giao nhiệm vụ trục vớt cầu Ghềnh đã khảo sát dưới lòng sông Đồng Nai để lên phương án trục vớt cầu. Theo kết quả khảo sát, nhịp cầu bị chìm nằm ở độ sâu 13 m, dính nhau bởi các thanh ray đường sắt. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp 3 treo lơ lửng do dính thanh ray đường sắt với nhịp bên kia.

Sau khi thống nhất phương án, Cienco 1 huy động lực lượng tiến hành cắt thanh ray trên nhịp 4 để tách các hạng mục bị đổ sập khỏi phần còn lại của cầu. Các kết cấu dầm cầu bằng thép sau đó được chuyển lên sà lan đưa về điểm tập kết.

Vụ sập cầu Ghềnh: Hoàn thành trục vớt cầu sập trước 2/4Vụ sập cầu Ghềnh: Hoàn thành trục vớt cầu sập trước 2/4

Việc neo, móc treo vào cầu để kéo lên do người nhái thực hiện. Tiếp đến, các đơn vị sẽ sử dụng cần cẩu công suất 500 tấn cẩu phần cầu gãy có trọng lượng khoảng 300 tấn đưa lên khỏi mặt nước.

Hiện chiếc xà lan 3.600 tấn chở theo cần cẩu 500 tấn đã tiến sát vào cầu Ghềnh phía hạ lưu và cố định trên sông. Dưới lòng sông, thợ lặn vẫn đang khoan, cắt nhịp dầm số 2 và 3. 

Đại diện Cienco 1 cho biết các thanh ray đường sắt bị vướng bên dưới đã được cắt rời hoàn toàn.

Trong ngày 28/3, lực lượng trục vớt đã cho máy cẩu nâng đầu kéo của chiếc sà lan chở cát bị chìm lên trước để đưa vào vị trí tập kết, đồng thời giải tỏa bớt vật cản dưới lòng sông. Sau đó, đơn vị mới tiến hành móc kéo để đưa dầm cầu Ghềnh lên bờ.

Dự kiến, công tác trục vớt phải hoàn thành trước ngày 2/4, tạo điều kiện để sớm tiến hành các phương án xây dựng cầu.

Trước đó, đại diện một công ty chuyên trục vớt, cứu hộ đã đưa ra mức kinh phí dự tính trên 12 tỷ đồng.

Chiều 21/3, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Nguyễn Nhật có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về phương án khắc phục tai nạn sập cầu Ghềnh trưa 20/3.

Buổi làm việc đặc biệt nhấn mạnh đến các phương án khắc phục sự cố sau tai nạn sập cầu Ghềnh. Theo đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất 3 phương án được cho là khả thi nhất trong thời điểm hiện tại.

Phương án 1 sẽ tập trung khôi phục 110 m đoạn cầu bị sập. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này cần có thời gian khoảng 20 ngày sau khi việc kiểm định trụ T2 và T3 có kết quả.

Phương án 2 sẽ thay mới cả 3 nhịp cầu, không phải gia cố các trụ mà chỉ tăng cường mố cầu, nếu quyết định sẽ triển khai ngay sản xuất thép trong vòng 2 đến 3 tháng sẽ xong, đồng thời làm mới 2 mố trụ bẳng bê tông cốt thép.

Phương án 3 là khôi phục nguyên trạng, có cải tạo.

Sau khi nghe Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất 3 phương án khắc phục, lãnh đạo Bộ GTVT đã chốt chọn phương án 3 để xử lý vụ sập cầu Ghềnh.

Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) vào trưa 20/3, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu là do tàu kéo mang BKS: SG 3745 kéo theo sà lan BKS: SG 5984 chở khoảng 800 tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa. Sà lan qua cầu gặp lúc thủy triều lên, nên đã đâm gãy 2 nhịp cầu số 2 và 3 trong 4 nhịp cây cầu này.

Sà lan có chiều dài khoảng 43m, rộng hơn 12m, chiều chiều cao mạn là 3,3m. Sà lan có vỏ được làm bằng thép. Sà lan được thiết kế năm 2007. Phương tiện này được kiểm định gần nhất vào ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang