Vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân: không thể vội vàng kết luận lỗi

author 18:46 20/03/2018

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân do xe khách đâm xe cứu hỏa, luật sư cho rằng không thể vội vàng kết luận được lỗi của bên nào...

Xem thêm video:

Vụ việc va chạm giao thông giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân là một vụ việc được đánh giá là rất nghiêm trọng, trước mắt hậu quả là chết một người và nhiều người bị thương.

Vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân: không thể vội vàng kết luận lỗi

Vụ tai nạn khiên 2 người thương vong và thiệt hại lớn về tài sản. Ảnh: VTC News 

Theo Ths. Ls Đặng Văn Cường, vụ việc này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, làm cơ sở để tiến hành điều tra, làm rõ yếu tố lỗi của các lái xe, trên cơ sở đó khởi tố bị can và xử lý theo quy định pháp luật. Trong vụ việc nêu trên xác định lỗi của các lái xe và xác định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản là vấn đề quan trọng nhất. Việc xác định lỗi của lái xe sẽ là căn cứ để quyết định sẽ khởi tố ai trong số hai lái xe trong vụ việc này. Nếu người lái xe nào có lỗi, vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ trong trường hợp này thì người đó sẽ bị khởi tố.

 
Điều 26. Giao thông trên đường cao tốc

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;

b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.

3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
 

Trong vụ việc này xe cứu hỏa là một trong những loại xe ưu tiên theo quy định tại Điều 22, Luật Giao thông đường bộ nên sẽ được phép đi vào đường cấm, được phép đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, tham gia giao thông vẫn phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác trên đường, các phương tiện đang lưu thông. Đường cao tốc là một loại đường đặc biệt, các xe tham gia lưu thông với vận tốc cao, việc kiểm soát tốc độ là rất hạn chế, nếu để xảy ra tai nạn trên đường cao tốc thì hậu quả rất thảm khốc. Vì vậy pháp luật có quy định rất rõ về quy tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc cụ thể tại Điều 26, Luật giao thông đường bộ hiện hành (năm 2008).

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: "Đối chiếu với quy định pháp luật này, và qua tình huống trên clip của vụ việc thì rõ ràng là xe cứu hỏa đã không thực hiện theo quy tắc này, đột ngột đi vào làn đường cao tốc và đi ngược chiều trên đường cao tốc khi chưa đảm bảo an toàn cho các phương tiện đang tham gia giao thông khác. Vì vậy, cần phải xem xét hành vi so với quy định này của pháp luật để xác định trách nhiệm pháp lý của người lái xe cứu hỏa. Ngoài ra, cũng cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của xe cứu hỏa, loại xe này có được sử dụng vào mục đích "cứu thương" như thông tin vừa qua hay không? Từ đó mới có thể kết luận là người lái xe cứu hỏa trong tình huống này có "vô can" hay không. Còn đối với tình huống bất ngờ nhập đường cao tốc để đi ngược chiều trên cao tốc thì rõ ràng là rất nguy hiểm, khi đó tốc độ sẽ cộng dồn của hai bên sẽ tăng gấp đôi và khả năng xử lý tình huống bất ngờ gần như bằng 0, khi đó, tai nạn xảy ra là điều khó tránh".

Luật sư cũng phân tích, đối với người lái xe khách thì cần xác minh làm rõ tốc độ tức thời của xe này tại thời điểm tai nạn để xem người lái xe khách có vi phạm về tốc độ hay không? Ngoài ra, để xác định tình huống này có phải là "sự kiện bất ngờ" hay không thì cần xác định được vị trí của xe khách khi xe cứu hỏa nhập vào đường cao tốc (thời điểm bắt buộc lái xe khách phải quan sát thấy chiều đi của xe cứu hỏa - ngược chiều) đồng thời tính toán tốc độ của xe khách + tốc độ của xe cứu hỏa để biết được khoảng cách hai xe so với tốc độ đó có phải là khoảng cách an toàn hay không. Nếu xe khách đảm bảo tốc độ theo quy định (< hoặc = 100km/h) và khoảng cách hai xe tại thời điểm cùng trong đường cao tốc và ngược chiều nhau nhỏ hơn 100m thì người lái xe khách không có lỗi. Với tốc độ như vậy và khoảng cách hai xe nhỏ hơn 100m khi phát hiện ra nhau thì không phải là khoảng cách an toàn, người lái xe khách sẽ không thể xử lý được tình huống này. Nếu đánh lái đột ngột trong vận tốc 100km/h thì chắc chắn xe sẽ mất lái hoặc lật xe hoặc sẽ lao vào dải phân cách.... và hậu quả cũng thê thảm không kém.

Vì vậy, trong vụ việc này không thể vội vàng kết luận được lỗi của bên nào nếu không xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ và các căn cứ pháp lý. Đồng thời phải đánh giá sự việc một cách khách quan, có lý luận thì mới có thể giải quyết được vụ việc này một cách công bằng.

Cũng cần nói thêm là trong vụ việc này người nào chịu trách nhiệm hình sự cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của những người bị hại, mức thiệt hại có thể lên tới cả tỉ đồng.

Minh Châu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang