Vụ ‘xã hội đen’ phá nhà dân ở TP. Lạng Sơn: Ai sai, ai đúng?

author 06:15 29/08/2016

(VietQ.vn) - Hơn 10 năm, nhiều người dân vẫn chưa ngừng kiện cáo vì cho rằng thành phố Lạng Sơn “nhập nhèm” trong khâu bồi thường, hỗ trợ cho các hộ phải di dời.

Ngày 25 và 26/8, gia đình bà Hoàng Thị Bài và Nguyễn Thị Mai ở Khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn bị một nhóm người lạ xăm trổ đầy mình đến khuân hết đồ đạc trong nhà ra rồi dùng máy xúc, máy ủi đập nát ngôi nhà cấp 4 mà hai gia đình đang sử dụng.

"Xã hội đen" đưa cả máy múc đến đập tan nhà bà Bài trước "thanh thiên bạch nhật"

Hai nhà này trước đó nằm trong diện bị thu hồi để phục vụ cho dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch Khu dân cư tại Khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn.

Bản chất của dự án là phá bỏ hoàn toàn khu nhà cũ, sau đó san lấp mặt bằng, làm hệ thống điện, đường rồi chính quyền phân lô bán.

Cho rằng chính sách bồi thường, hỗ trợ của thành phố Lạng Sơn chưa thỏa đáng, gia đình bà Bài, bà Mai cùng nhiều hộ dân khác đã làm đơn khiếu nại, tố cáo tới nhiều cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương.

Lạng Sơn: Dân gào thét nhìn ‘xã hội đen’ đưa máy xúc đến đập nhà(VietQ.vn) - Không ngờ ở ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn lại xảy ra một việc “động trời” đến như vậy. "Xã hội đen" phá nhà dân.

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang thụ lý, xem xét đơn, Thanh tra Chính phủ cũng mới có văn bản yêu cầu tỉnh Lạng Sơn làm rõ, giải quyết dứt điểm vụ việc thì chính quyền thành phố Lạng Sơn đã cấp sổ đỏ khu đất của bà Bài, bà Mai cho người khác.

Theo Công an phường Vĩnh Trại, nhóm người lạ đến phá nhà bà Bài và bà Mai chính là chủ mới của khu đất đó.

Liên quan đến vụ đưa máy xúc đến "tự xử" phá nhà để đòi đất, trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường - trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, cho rằng đây là chuyện rất hiếm gặp. Luật sư nhấn mạnh, vụ việc này cần phải làm rõ và xử lý những người có liên quan để tránh xảy ra những vụ việc tương tự.

“Để xử lý ai, xử lý như thế nào thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, xem xét bản chất pháp lý, hành vi và hậu quả với xã hội để có biện pháp xử lý cho phù hợp”, ông Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường - trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Đi sâu vào “mổ xẻ” diễn biến vụ khiếu kiện kéo dài gần chục năm này, Luật sư Đặng Văn Cường đưa ra vài quan điểm:

Đầu tiên là câu chuyện thu hồi đất của UBND thành phố Lạng Sơn với các hộ dân, trong đó có hộ bà Bài, bà Mai. Theo thông tin ban đầu thì việc thu hồi đất này đang còn khiếu kiện, chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp hành chính (UBND, Tòa án) có trách nhiệm giải quyết vụ án này trong thời hạn luật định. Nếu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện không làm hết trách nhiệm, để xảy ra xung đột gây hậu quả nghiêm trọng thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, ít nhất là cũng phải bị kỷ luật.

Clip "xã hội đen" đến phá nhà dân ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn

Nếu bà Bài, bà Mai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì các hộ dân này được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của luật đất đai, trong đó có quyền được yêu cầu pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp, khiếu kiện.

“Nếu thửa đất của hai hộ này đã bị nhà nước ra quyết định thu hồi đất theo đúng trình tự, thủ tục luật định; đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật; các hộ này đã bàn giao mặt bằng hoặc đã bị cưỡng chế thu hồi đất sau đó thửa đất này được cấp cho chủ thể khác hoặc nhà nước quản lý thì các hộ dân này mới mất toàn bộ quyền của người sử dụng đất”, Luật sư Cường nêu rõ.

Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu việc thu hồi đất chưa được giải quyết dứt điểm, các hộ dân này chưa bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cũng chưa tổ chức cưỡng chế thu hồi đất thì chưa có căn cứ để chính quyền địa phương giao đất cho người khác.

“Nếu UBND thành phố Lạng Sơn đã có quyết định thu hồi đất của hộ bà Bài, bà Mai nhưng hai hộ này chưa bàn giao đất, cũng chưa bị cưỡng chế thu hồi đất mà UBND thành phố Lạng Sơn đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác thì UBND thành phố Lạng Sơn phải có trách nhiệm lấy lại đất từ hai hộ dân này để giao cho những người được giao đất. Người được giao đất thì phải có biên bản bàn giao, cắm mốc trên thực địa thì mới phát sinh các quyền của người sử dụng đất”, Luật sư Cường phân tích.

Còn nếu chỉ có quyết định giao đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được UBND cấp có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa thì UBND giao đất phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục này (thủ tục giao đất) thì việc giao đất mới hoàn tất.

Bài tiếp theo: Vụ ‘xã hội đen’ phá nhà dân ở Lạng Sơn: Kiểm điểm nhiều sở, ngành

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang