Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Liên kết toàn diện tạo phát triển đột phá

author 20:40 27/09/2023

(VietQ.vn) - Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Cần liên kết toàn diện để tạo đà phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.

Vẫn là “lõi nghèo” của cả nước

Tại Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/9/2023, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. 

 Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”

Kinh tế Vùng trong những năm qua đã có những bước thành công đáng kể. Quy mô GRDP liên tục tăng từ 224.274,527 tỷ đồng năm 2010 lên 622.717,61 tỷ đồng năm 2015 và 409.314,681 tỷ đồng năm 2020, tốc độ tăng GRDP bình quân cả giai đoạn 2011-2020 tăng 6,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng và gắn với đầu tư phát triển, hạ tầng giao thông kết nối trong vùng và liên vùng được đầu tư, kinh tế cửa khẩu có bước phát triển mạnh. 

Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ. Liên kết nội Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn chưa thực sự hiệu quả; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng… 

Đẩy mạnh phát triển dự án hạ tầng giao thông lớn 

Một trong những nguyên nhân khiến vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chưa phát huy được lợi thế để phát triển là năng lực kết nối giao thông còn hạn chế.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Khánh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, cho rằng, một trong những nguyên nhân được thẳng thắn nhìn nhận là "năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông ở khu vực này chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ, nhưng cũng chưa hoàn chỉnh.

Hiện trong Vùng mới chỉ hình thành một số tuyến cao tốc như: Nội Bài – Lào Cai, hay Hà Nội – Thái Nguyên… Dẫn đến tình trạng các địa phương trong Vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ", muốn từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa hai địa phương… Những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong Vùng- ông Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh. 

Là một tỉnh nhiều tiềm năng thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, nút thắt giao thông chính là điểm nghẽn của khu vực này.

Tuyên Quang nỗ lực trong 2 năm gần đây làm đường cao tốc kết nối Nội Bài - Lào Cai với Tuyên Quang và dự kiến trong năm nay sẽ được khánh thành, và dự kiến năm 2025 có tuyến đường xuyên qua tỉnh Tuyên Quang, đồng thời triển khai những tuyến đường kết nối ngang để kết nối với các địa phương khác như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang để giải quyết vấn đề hạ tầng liên kết vùng, mang lại cơ hội phát triển cho các tỉnh vùng núi Bắc Bộ- ông Nguyễn Văn Sơn cho hay. 

Thúc đẩy các chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm 

Theo ông Phan Thể Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, các địa phương trong Vùng cần thúc đẩy liên kết khu vực động lực, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận. Trong đó dựa trên các điều kiện phát triển, có thể xác định chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô; hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng tạo động lực phát triển cho cả vùng với các đô thị động lực, như thành phố Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình. Gắn khu vực động lực tăng trưởng với các khu kinh tế cửa khẩu, gồm Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Lào Cai.

Cùng với đó là hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm mang tầm quy mô vùng. Trong đó, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo, hình thành cụm liên kết, trung tâm sản xuất cơ khí chế tạo có trình độ cao tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang; liên kết trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết các địa phương trong vùng nhằm hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng; liên kết phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, sinh thái giữa các địa phương trong vùng. 

Nhấn mạnh cần phát triển cụm liên kết doanh nghiệp, xây dựng chuỗi phát triển bền vững trong Vùng, TS. Nguyễn Văn Hội- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, việc hình thành và phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ là một xu hướng khách quan, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác và cạnh tranh để cùng phát triển. 

Hiện nay, tại vùng trung du miền núi Bắc Bộ, cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản đã manh nha phát triển. Trong giai đoạn tới, phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ có nhiều thuận lợi. 

Để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định và bền vững, TS. Nguyễn Văn Hội đề xuất, phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. 

“Việc phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ cần gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có thế mạnh của vùng như: nông sản, rau quả tại Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái…; chè tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu,…; dược liệu tại Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La,…; gia súc, gia cầm tại Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên,…; một số đặc trưng, đặc sản vùng tại Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Yên Bái…”-TS. Nguyễn Văn Hội lưu ý. 

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, liên kết là để phát triển và muốn phát triển thì phải liên kết. Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá. 

Sự liên kết toàn diện sẽ giúp các địa phương trong Vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực, để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác. 

Quan trọng hơn, khi liên kết nội vùng được phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm thấy sức hút riêng có của Vùng. “Đất có lành, chim mới đậu”, liên kết vùng trung du miền núi Bắc Bộ không chỉ đem đến động lực mới cho vùng mà còn đem đến sự kết nối từ chính mối dây doanh nghiệp- Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình.

Diện tích tự nhiên của toàn vùng là 95.184 km2, chiếm 28,72% về diện tích tự nhiên và 13,12% dân số của cả nước.

Lê Kim Liên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang