Vượt Covid ngoạn mục, ngành nông nghiệp lập nhiều kỷ lục mới

author 21:08 29/12/2021

(VietQ.vn) - Năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid. Tuy nhiên, với sự chung sức, vượt khó, sáng tạo, ngành nông nghiệp đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép”, xuất khẩu lập kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng trên 3 tỷ USD.

Ngày 29/12/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022.

Khó khăn bủa vây vẫn lập nhiều kỷ lục mới

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản...

Mặc dù vậy, kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2021 rất ấn tượng. Theo đó, giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, năm của những kỷ lục mới  

Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Sản lượng đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.

Diện tích cây ăn quả đạt 1,18 triệu ha, tăng 44.800 ha so với năm 2020; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng từ 5 đến 19%.

Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. 

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới, đạt trên 48,6 tỷ USD, ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều vượt mục tiêu đề ra, cả về sản lượng và giá trị.

"Đặc biệt, năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su"- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Giữ vị trí "quán quân" của ngành NN&PTNT là ngành lâm nghiệp. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản ước đạt tới 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020. Mức xuất siêu là 12,94 tỷ USD (tăng 21,2% so với năm 2020), tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Xếp ở vị trí "á quân", xuất khẩu thủy sản cũng đã vượt sóng Covid ngoạn mục, đạt kim ngạch xuất khẩu 8,9 tỷ USD trong năm 2021.

Tiếp theo đó là các mặt hàng rau quả, hạt điều: trên 3,6 tỷ USD; rau quả: trên  3,5 tỷ USD; cao su: từ 3,1 đến 3,2 tỷ USD...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021, năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Thủ tướng: Ngành NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu trên 50 tỷ USD năm 2022

Đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được của ngành NN&PTNT trong năm 2021 là thành tựu đáng tự hào trong điều kiện khó khăn bủa vây bởi Covid.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành nông nghiệp cần khắc phục những bất cập. Đó là, phát triển chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, thị trường… Công tác dự báo về thị trường, biến đổi khí hậu còn hạn chế.

Đến nay, ngành nông nghiệp vẫn phát triển chưa thực sự bền vững và chưa đi vào chiều sâu, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa thực sự chú trọng đến vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát khí thải metan; Chưa thích ứng được với điều kiện tự nhiên, thị trường, nhất là chưa linh hoạt thích ứng với diễn biến mới của tình hình.

Công nghệ chế biến sau thu hoạch còn yếu, mẫu mã bao bì chưa được thực sự chú trọng; Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, vẫn bị động, lúng túng, phụ thuộc vào một số thị trường; chưa làm tốt vấn đề chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; Chưa xây dựng được những thương hiệu mang tính quốc tế như hoa tuy lip của Hà Lan, cà phê Brazil…

Vấn đề bảo vệ rừng, phát triển tài nguyên rừng còn nhiều bất cập, nạn phá rừng chưa được giải quyết triệt để; Chưa có đột phá để thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, đời sống của một bộ phận nông dân vùng sâu vùng xa, hải đảo còn nhiều khó khăn...

Thú tướng nhấn mạnh, năm 2022, dự báo có thuận lợi, thời cơ nhưng cũng còn nhiều khó khăn thách thức, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2021. Do vậy, ngành nông nghiệp cần tập trung để chọn việc, nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ đã đặt ra.

Cụ thể, ngành nông nghiệp cần phải đối mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tầm dự báo chiến lược kịp thời chính xác, tổ chức thực hiện phải hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, tăng trưởng phải cao hơn 3%, xuất khẩu phải đạt kim ngạch hơn 50 tỷ USD, bởi ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nên phải quyết tâm nỗ lực đạt mục tiêu cao hơn.

Muốn vậy, ngành nông nghiệp cần cụ thể hóa đường lối chính sách về nông nghiêp, sát với thực tế, có tính khả thi, có hiệu quả, phải xác định trọng tâm trọng điểm, có lộ trình thực hiện; cùng với đó, coi trọng công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch, với tư duy đổi mới sát thực tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp, phát hiện ra những điểm nghẽn về thể chế báo cáo lên Chính phủ để có hướng xử lý kịp thời; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, kỷ luật nghiêm minh, nâng cao năng lực trí tuệ phẩm chất của người làm nông nghiệp- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Tiếp thu ý kiến truyền cảm hứng cho những người làm nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, năm 2021, vượt qua những đắn đo, ngành nông nghiệp đã có những thay đổi tích cực, đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ, đã huy động được các nguồn lực, xã hội hóa để mở rộng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp.

“Ngành nông nghiệp đã hoàn thành Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và trình Chính phủ phê duyệt. Chiến lược sẽ tạo con đường cho phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, bởi lựa chọn con đường đi quan trọng hơn giải pháp, vì khi đã có đường đi đúng thì sẽ tìm ra giải pháp phù hợp”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang