Xuất khẩu nông thủy sản vào thị trường Nga- Tập trung vào sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

(VietQ.vn) - Nga là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam với sức tiêu thụ lớn. Trong 10 tháng năm 2021, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Nga vẫn tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy thương mại nông, thủy sang Nga, doanh nghiệp Việt cần tập trung vào sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Bất cập giá thức ăn chăn nuôi - cần thành lập sàn giao dịch nguyên liệu nông sản
Xuất khẩu nông sản 10 tháng tăng hơn 13%
Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi
Chiều 23/11/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức "Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam - Liên bang Nga".

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại thứ 6 của Liên bang Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong 10 tháng năm 2021, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ Nga chủ yếu là thủy sản, lúa mì, phân bón, gỗ và gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Sergey Lvovich Levin đánh giá, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (AEAU) đã mở ra cơ hội về thương mại mạnh mẽ cho 2 nước. Việt Nam là một trong những thị trường năng động và phát triển trong khu vực. Thời gian qua, mặc dù đại dịch Covid-19 nhưng thương mại nông nghiệp giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Hai nước có thể phát triển thương mại nông nghiệp lên mức độ mới.
Ông Dương Hoàng Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, nhờ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu nên hầu hết sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam sang Nga có mức thuế bằng 0%; sản phẩm từ các nước khác có mức thuế thông thường nên hàng hóa Việt Nam thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lượng lớn doanh nghiệp thâm nhập sâu thị trường Nga.
Để tiếp tục thúc đẩy thương mại nông, thủy sản sang Nga, các doanh nghiệp cần tham gia các triển lãm lớn của Nga hằng năm để tìm hiểu thị trường. Nếu doanh nghiệp làm tốt khâu thị trường thì sẽ tăng được lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tập trung xuất khẩu vào thị trường Nga các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cà phê, thủy sản, sản phẩm trái cây chế biến...
Thực tế hiện nay, mặc dù Liên bang Nga đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát ATTP nhập khẩu chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế như EU, Ủy ban CODEX.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), cách thức Cơ quan kiểm dịch động thực vật LB Nga (FSVPS) cấp phép cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam rất tùy tiện, gây khó khăn và không báo trước nên làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan hai nước cần tăng cường trao đổi hợp tác, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại; rút ngắn thời gian giải trình lô hàng bị cảnh báo để các doanh nghiệp sớm xuất khẩu trở lại.
Khẳng định nhu cầu thương mại nông, thủy sản của các doanh nghiệp giữa Việt Nam và Liên bang Nga rất lớn, tuy nhiên, kim ngạch trên vẫn còn thấp so với kỳ vọng và mục tiêu phấn đấu giữa hai nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp hai bên cần lưu ý và tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu. Hai bên cần tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp của hai nước.
Lê Kim Liên