Xác định nghĩa vụ cấp dưỡng khi gây thiệt hại về tính mạng

authorLan Ninh 07:44 28/10/2016

(VietQ.vn) - Người thân của tôi gây ra án mạng, phía gia đình tôi phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như thế nào cho 4 đứa con người đã tử vong

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Đoàn Văn Khương (Thanh Hóa): Người thân của tôi gây ra thiệt hại đến tính mạng cho một người khác (người này chết). Tôi cũng biết là gia đình tôi phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của người đã chết. Người này có 4 đứa con, cả 4 đứa đều dưới 18 tuổi, đứa lớn nhất mới 16 tuổi. Trong khi đó, thu nhập của người thân tôi chỉ dừng lại ở mức 4 triệu đồng/tháng. Vậy luật sư cho tôi hỏi, với thu nhập 4 triệu/tháng đó người thân tôi phải cấp dưỡng ở mức nào?

Xác định nghĩa vụ cấp dưỡng khi gây thiệt hại về tính mạng

Xác định nghĩa vụ cấp dưỡng khi gây thiệt hại về tính mạng. Ảnh minh họa 

Luật sư trả lời: 

Điều 610 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

"1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định".

Nghĩa vụ cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại về tính mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng là một trong những nghĩa vụ chủ yếu của người đã gây ra thiệt hại.

Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết phần nghĩa vụ này như sau:

"2.3. Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.

a) Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.

Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

b) Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng.

- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn(VietQ.vn) - Tôi đã ly hôn và có 1 con trai ở với tôi. Gần đây, ông bà nội của cháu đã tự ý thay đổi tên và chuyển khẩu con trai tôi. Tôi phải giải quyết thế nào?

- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng".

Trong trường hợp cụ thể của bạn, người bị thiệt hại có nghĩa vụ nuôi dưỡng với 4 người con chưa thành niên - chưa đủ 18 tuổi, do đó, 4 người con chưa thành niên của người bị thiệt hại là đối tượng được hưởng khoản tiền cấp dưỡng từ người gây ra thiệt hại.

Chúng tôi không thể xác định cho bạn được mức cấp dưỡng mà người thân của bạn sẽ phải thực hiện với 4 người con chưa thành niên của người bị thiệt hại, bởi mức cấp dưỡng được xác định trên cơ sở là khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Cho dù mức thu nhập, hay nói chính xác khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng ở mức 4 triệu đồng/tháng thì người này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong phạm vi khả năng của họ.

Bản chất của cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Do đó, việc người thân của bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng không phải là thay người bị thiệt hại nuôi dưỡng con của họ, mà chỉ là việc đóng góp tiền bạc cùng những người trực tiếp nuôi dưỡng những người con chưa thành niên này mà thôi.

Cũng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006 khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường. Với mức thu nhập là 4 triệu đồng/tháng, người thân của bạn phải đáp ứng được nhu cầu sống thiết yếu của họ rồi sau đó mới thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Cho dù mức cấp dưỡng cho 4 người con chưa thành niên của người bị thiệt hại là không cao, nhưng đó là khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà những người được cấp dưỡng không thể yêu cầu cao hơn.

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng Luật sư Trịnh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang