Xác định rõ nguồn gốc xuất xứ đối với gỗ nhập khẩu vào Việt Nam

author 19:34 08/11/2022

(VietQ.vn) - Gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đòi hỏi ngày càng gia tăng nguyên liệu gỗ đầu vào. Việt Nam cấm khai thác rừng tự nhiên. Nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước rất lớn và đang có xu hướng gia tăng, vượt 30 triệu m3/năm. Tuy nhiên, nguồn cung gỗ trong nước vẫn không đủ cung cấp cho ngành đang mở rộng. Gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn (HS 4403), gỗ xẻ (HS 4407) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn.

 
Hiện, Việt Nam có hơn 10.000 doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ (90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) cùng 340 làng nghề chế biến gỗ, với năng lực chế biến đạt 32 -36 triệu m3 gỗ/năm, tạo việc làm cho 500.000 lao động.
 

Đơn cử, châu Phi đã trở thành nguồn cung cấp gỗ nhiệt đới quan trọng của Việt Nam, cung cấp khoảng 1,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ, trị giá hơn nửa tỷ USD mỗi năm. Nhập khẩu gỗ của châu Phi; trong đó có Cameroon vào Việt Nam ngày càng mở rộng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, thông tin liên quan tới các yêu cầu về tính hợp pháp tại các quốc gia khai thác gỗ ở châu Phi còn hạn chế. Hơn nữa, có rất ít thông tin bằng tiếng Việt về các quy tắc và quy định quản lý hoạt động khai thác gỗ, thực thi pháp luật và các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng. Do đó, việc doanh nghiệp, tổ chức hiểu biết yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam nhằm đảm bảo tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều hợp pháp. Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ châu Phi, là một yếu tố trọng tâm của VNTLAS.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đòi hỏi ngày càng gia tăng nguyên liệu gỗ đầu vào. Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp - Cục Kiểm lâm chia sẻ, để đảm bảo gỗ nhập khẩu vào Việt Nam là hợp pháp nên Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã tăng thêm thủ tục hành chính và thời gian thông quan cho doanh nghiệp nhập khẩu gỗ. Doanh nghiệp phải thực hiện bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro hoặc từ vùng địa lý không tích cực. Đồng thời, tăng trách nhiệm, công việc cho cán bộ hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục thông quan.

Nhận định về ngành gỗ nói chung, chia sẻ với báo chí trước đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng cho biết, ngành gỗ nhận thức sâu sắc rằng không có lý do gì để nguồn gỗ rủi ro với nhiều bất ổn có nguồn gốc từ nhập khẩu luồn sâu vào thị trường nội địa. Cộng đồng doanh nghiệp gỗ đồng tình và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của các Bộ, ngành và với cách làm việc linh hoạt, đúng pháp luật của cơ quan Hải quan trong việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính để tạo sự thông thoáng trong công tác xuất nhập khẩu gỗ.

Theo phản ánh của các hội viên Viforest, đa phần đơn vị nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đều yêu cầu sử dụng gỗ từ rừng trồng hoặc gỗ có chứng chỉ. Do đó, Viforest đề nghị, trong tương lai Việt Nam cần hướng tới mục tiêu 100% gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ giống như một số thị trường nhập khẩu thế giới yêu cầu Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phải đảm bảo 100% là gỗ rừng trồng hoặc từ nguồn gỗ có chứng chỉ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang