Xăng tăng kéo giá cả thị trường tăng, đời sống người dân ảnh hưởng: Chuyên gia nói gì?

author 06:26 01/06/2022

(VietQ.vn) - Giá xăng liên tục lập đỉnh đang là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Từ sự "nhảy múa" của giá xăng thời gian gần đây dẫn đến giá cả thị trường cũng "tát nước theo mưa" khiến không chỉ đời sống người dân mà kinh tế vĩ mô cũng bị ảnh hưởng. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần phải kịp thời đưa ra những giải pháp để giảm thiểu tác động từ tình trạng này.

Giá cả thị trường tăng theo xăng, đời sống người dân xáo trộn

Theo ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam, tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) những ngày gần đây hầu hết các mặt hàng rau củ quả đều có mức giá tăng cao hơn so với thời điểm giữa tháng 4. Cụ thể, giá bơ 034 tăng từ 5.000 – 7.000 VNĐ, sầu riêng tăng từ 10.000 – 15.000 VNĐ, cải bắp tăng từ 2.000 – 5.000 VNĐ, đặc biệt rau muống trong tuần qua có thời điểm giá tăng cao gấp đôi so với giá bình thường, dao động từ 10.000 – 13.000 VNĐ/1kg. Tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thực phẩm như thịt, cá, rau củ quả cũng đồng loạt tăng từ 10 – 15% so với trước đây.

Xăng tăng kéo theo giá cả thị trường tăng, đời sống người dân ảnh hưởng: Chuyên gia nói gì?

 Xăng tăng kéo theo giá cả thị trường tăng chóng mặt.

Lý giải cho việc các mặt hàng tại quầy đều tăng giá, cô Lê Thị Hồng – một tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết: “Hầu hết các mặt hàng hoa quả như sầu riêng, bơ, măng cụt,…đều được nhập từ các tỉnh phía Nam nên phải thuê ô tô để vận chuyển hàng, giá xăng tăng cao khiến phí vận chuyển cũng vì thế mà tăng theo. Tính ra một tháng, tôi phải chi trả thêm khoảng 1,5 – 2 triệu đồng phí vận chuyển, vì thế  buộc phải tăng giá thành các mặt hàng để tránh tình trạng lỗ".

Bên cạnh đó, những ngày gần đây Hà Nội liên tục đón những trận mưa lớn dẫn đến tình trạng ngâp úng, hoa màu của bà con khu vực ngoại thành bị ảnh hưởng nên nguồn cung khan hiếm cũng đẩy giá cả thực phẩm tăng cao.

Sức ép từ giá thực phẩm tăng, giá xăng dầu tăng đã khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều người đã và đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đủ đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Chị Nguyễn Thùy Linh (sống tại quận Nam Từ Liêm) đã thay đổi thói quen mua sắm của mình, thay vì mua tại các chợ dân sinh, chị lựa chọn đến chợ đầu mối Minh Khai để mua các thực phẩm với giá rẻ hơn 10 – 20% so với giá tại các chợ cóc, chợ tạm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu tại Việt Nam đã có sự biến động khi liên tục tăng, điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kìm giữ lạm phát dưới 4% của năm 2022.

Chuyên gia nói gì?

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết: “Xăng dầu là vấn đề then chốt, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, giá xăng dầu tăng cao gây ảnh hưởng đến lạm phát là điều tất yếu. Giá xăng lên, lạm phát lên trong lúc thu nhập kém sau đại dịch khiến người dân lao động, đặc biệt là người dân nghèo gặp nhiều khó khăn. Nếu không khắc phục kịp thời, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả của lạm phát không chỉ kéo dài trong năm nay mà gây ảnh hưởng kéo dài trong 1 – 2 năm tới.”

Xăng tăng kéo theo giá cả thị trường tăng, đời sống người dân ảnh hưởng: Chuyên gia nói gì?

 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Để tránh lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng năng lực cạnh tranh và đời sống của người dân Việt Nam cần phải kịp thời đưa ra những giải pháp để giảm thiểu tác động từ tình trạng này.

Theo vị chuyên gia này, giải pháp cần được thực hiện ngay lúc này là thiết lập lại chuỗi cung ứng, giảm bớt khâu trung gian. Hạ giá xăng bằng cách giảm các loại thuế phí đang chiếm tới hơn 40%, chú trọng việc chủ động sản xuất của hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên học hỏi các nước như Ấn Độ, Trung Quốc trong vấn đề tăng dự trữ xăng dầu để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo Bộ Công Thương, Giá xăng Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... và đứng thứ 86 trên 170 quốc gia. Nhận định này được Bộ Công Thương nêu khi đánh giá về tình hình cung ứng, điều hành giá xăng dầu trong nước, tại báo cáo đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế xã hội 2021, đầu năm 2022. Báo cáo được lập trước thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên hơn 30.000 đồng một lít vào ngày 23/5. Theo dự báo của các chuyên gia, tại kì điều hành diễn ra chiều nay ngày 1/6, giá xăng có thể sẽ lập đỉnh mới, lên ngưỡng 31.000 đồng một lít.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã có 10 lần tăng, tương đương mức tăng 6.741-6.774 đồng/lít, tuỳ loại. Ngày 23/5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, đưa giá xăng E5 RON 92 và RON 95 lên mức cao nhất lịch sử là 29.630 đồng/lít và 30.650 đồng/lít.

Hải Yến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang