“Xanh hóa” nguồn năng lượng giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí

author 13:00 22/06/2024

(VietQ.vn) - Sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích. Các doanh nghiệp có nguồn cung cấp điện ổn định, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Xu hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong doanh nghiệp bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó việc sử dụng năng lượng xanh là một thành phần vô cùng quan trọng và không thể thiếu.

Theo đó, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải CO2 đến 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Quy hoạch Điện VIII với mục tiêu khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái, đã đặt nền móng cho sự thúc đẩy của xu hướng này. Phát triển nền kinh tế xanh và tuần hoàn đã trở thành xu hướng tại nhiều quốc gia và Việt Nam không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh hiện đại, "xanh hóa" năng lượng đang trở thành xu hướng quan trọng, đặc biệt trong sản xuất và kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhận định rằng: “Xu hướng hiện nay là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy. Trong đó, vấn đề chuyển đổi xanh và chuyển đổi chuỗi cung ứng từ nâu sang xanh đang là vấn đề được đặt ra trọng tâm và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến dịch net zero”.

Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là cần thiết. Đây cũng là yếu tố nhằm tăng năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

"Xanh hóa giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư xanh. Đặc biệt, với các đối tác tại nhiều thị trường phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã và sắp được xem là bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, sử dụng đạt tiêu chuẩn “xanh” thì rất khó xuất khẩu được sang các thị trường khác như châu Âu", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Sử dụng điện mặt trời áp mái đang là yếu tố quan trọng hướng tới mục tiêu xanh hóa và giảm phát thải trong các ngành sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có hướng dẫn lắp đặt cụ thể cho mô hình tự dùng.

Trong vài năm gần đây, các ngành sản xuất, xuất khẩu như may mặc của Việt Nam đã quan tâm, tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là doanh nghiệp còn phải chứng minh về kế hoạch sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là lựa chọn nhanh và đơn giản nhất cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, lợi ích của việc sử dụng điện năng lượng mặt trời không chỉ giảm phát thải trong sản xuất mà còn giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp phù hợp với chủ trương của nhà nước, giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng yêu cầu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp định hướng phát triển của ngành từ "nhanh" sang "bền vững". Doanh nghiệp cũng rất mong có những hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ cho họ để có thể triển khai mô hình này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc ứng dụng năng lượng xanh là tài chính. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào năng lượng tái tạo song hành với phát triển sản xuất. Cũng không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này. Do đó, chúng ta cần có nguồn ngân sách từ địa phương, Nhà nước và cần huy động cả nguồn tư nhân. Chính phủ cần có những hỗ trợ về mặt chính sách, khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, tài chính xanh, trái phiếu xanh cho doanh nghiệp tiếp cận.

Thực tế cho thấy, tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất hiện còn ít. Đại đa số năng lượng tái tạo lắp đặt trong thời gian vừa qua là để bán điện trực tiếp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và sử dụng trong nhu cầu gia đình và một số ít cho khối văn phòng thương mại. 

Nguyên nhân chính là do chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho nhu cầu tự dùng. Do đó, những quy định liên quan về đấu nối với lưới điện hiện hữu (kể cả của EVN và của bên thứ 3 đầu tư hạ tầng lưới điện ở các khu công nghiệp), phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng,… cho mô hình này chưa rõ ràng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa dám đầu tư lắp đặt.

Bên cạnh đó, hiện nay việc lắp điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc bởi tiêu chí, cụ thể đối với doanh nghiệp tự lắp đặt phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, bên cạnh việc hoàn thiện về pháp lý, hỗ trợ về thông tin, kiến thức, những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được hỗ trợ về cơ chế tài chính, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, đất đai. Bởi xanh hóa sản xuất là một trong 3 nội dung quan trọng nhất của tăng trưởng xanh (gồm xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, xanh hóa tiêu dùng).

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang