Xây dựng kho hiện vật bảo tàng theo tiêu chuẩn giúp đảm bảo an toàn và tránh được những rủi ro

author 04:57 04/11/2023

(VietQ.vn) - Xây dựng kho hiện vật bảo tàng theo Tiêu chuẩn TCVN 13586:2022 giúp cải tạo cũng như xây mới kho đảm bảo an toàn cũng như tránh được những rủi ro như lũ lụt, mất cắp, cháy nổ...

Bên cạnh việc đảm bảo diện tích, các yêu cầu kỹ thuật của ngôi nhà bảo tàng để các hiện vật được lưu giữ lâu dài và phục vụ tốt cho công tác trưng bày, tuyên truyền, giáo dục thì kho của bảo tàng cần phải có những điều kiện vật chất phù hợp và đáp ứng theo Tiêu chuẩn TCVN 13586:2022 về quản lý rủi ro khi cải tạo và xây mới, đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên dụng để lưu giữ lâu dài, bảo đảm an ninh, an toàn và ổn định tình trạng hiện vật.

Theo đó, Tiêu chuẩn TCVN 13586:2022 yêu cầu khi nhận diện rủi ro sẽ được thực hiện khi quyết định vị trí xây dựng nhà kho bảo quản hoặc không gian bảo quản mới làm nơi lưu giữ các bộ sưu tập di sản văn hóa. Các nhà kho hoặc phòng kho đang được sử dụng để bảo quản hiện vật phải được nhận diện lại các rủi ro theo định kỳ, đặc biệt khi các nguy cơ mới được phát hiện.

Thông tin và dữ liệu cần được thu thập và đánh giá để xây dựng các quy định về môi trường, an ninh, phòng chống cháy nổ và lũ lụt, dự kiến áp dụng trong thiết kế nhà kho bảo quản hiện vật xây mới hoặc tiếp tục sử dụng tòa nhà hiện hữu làm kho bảo quản hiện vật. Đơn vị quản lý phải nhận diện các rủi ro có thể ảnh hưởng đến bộ sưu tập, đánh giá khả năng có thể xảy ra và tác động của các rủi ro đó như tộm cướp, cháy, lũ lụt...

Xây dựng và cải tạo kho hiện vật bảo tàng theo Tiêu chuẩn TCVN 13586:2022 sẽ đảm bảo chất lượng công trình, an toàn, tránh rủi ro. Ảnh minh họa 

Trong trường hợp kho bảo quản hiện vật là một tòa nhà độc lập thì hệ thống tường bao quanh phải bảo đảm tầm nhìn của thiết bị theo dõi và khả năng tiếp cận nhanh của cán bộ bảo vệ; phía ngoài tòa nhà phải được chiếu sáng khi trời tối; hệ thống cửa ra vào bảo đảm an ninh. Trong trường hợp kho bảo quản hiện vật nằm bên trong không gian của bảo tàng, cần có hệ thống an ninh nhiều lớp. Bảo đảm không gian kho bảo quản hiện vật không gây hạn chế tầm nhìn của thiết bị an ninh và sự tiếp cận của các nhân viên có nhiệm vụ, nhân viên vệ sinh, bảo trì thiết bị, máy móc.

Phòng, chống xâm nhập trái phép kho bảo quản hiện vật phải được bảo đảm an toàn. Cần có hệ thống thiết bị hỗ trợ cảnh báo xâm nhập trái phép, thiết bị theo dõi hình ảnh, âm thanh phải được lắp đặt đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành. Cửa ra vào kho bảo quản hiện vật bằng gỗ phải đáp ứng theo TCVN 9366-1:2012 và cửa ra vào kho bảo quản hiện vật bằng kim loại phải đáp ứng theo TCVN 9366-2:2012. Đối với các tòa nhà hiện hữu hoặc công trình di tích đã có cửa sổ thì các cửa sổ này phải không mở được và phải được cấu tạo để bảo đảm an ninh, an toàn cho kho bảo quản hiện vật.

Không sử dụng trần giả trong kho bảo quản hiện vật để hạn chế không gian trú ngụ của các loại sinh vật gây hại. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng trần giả ở khu vực chức năng phụ của kho bảo quản hiện vật, phải sử dụng trần giả với chất liệu chống cháy. Chiều cao tối thiểu trần của không gian kho bảo quản hiện vật phải tính đến chiều cao của các giá, tủ lưu giữ hiện vật.

Sàn nhà kho bảo quản hiện vật phải bằng phẳng, bảo đảm sự di chuyển an toàn của các thiết bị hỗ trợ hoạt động và người vận hành trong kho bảo quản hiện vật. Vật liệu sử dụng trong kho bảo quản hiện vật như tường, sàn nhà và trần phải được làm bằng vật liệu đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn cháy theo quy định hiện hành. Việc lựa chọn vật liệu phải giảm thiểu sự phát thải các chất độc hại, khói và bồ hóng khi có cháy. Vật liệu sử dụng cho thiết bị điện trong kho phải đáp ứng yêu cầu quy định tại TCVN 9206. Kho bảo quản hiện vật phải đáp ứng các quy định hiện hành về phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại TCVN 2622. 

Trong trường hợp sử dụng hệ thống chống cháy bằng nước, cần thiết kế hệ thống thoát nước phù hợp, tương ứng với lượng nước sử dụng khi chữa cháy, bảo đảm không ngập sàn kho bảo quản. Mức thấp nhất của một ngăn chứa (kệ giá hoặc ngăn kéo) là 15 cm cao hơn mặt sàn.

Khi lập kế hoạch xây dựng mới kho bảo quản hiện vật, cần kiểm tra và xác định dữ liệu về nồng độ các chất ô nhiễm không khí xung quanh tại địa điểm xây dựng để xác định các chất ô nhiễm có thể tác động đến nhà kho bảo quản. 

Đối với nhà kho bảo quản hiện vật xây mới, không tích hợp thực vật vào cấu trúc của tòa nhà hoặc bám trên các kết cấu bao che. Mặt ngoài của nhà kho hiện hữu phải được dọn dẹp thường xuyên, bảo đảm không có các bụi cây phát triển.

Kho bảo quản phải được kiểm soát độ đồng đều nhiệt độ, hạn chế vùng không khí có nhiệt độ thấp đột ngột, làm cho độ ẩm tương đối bị tăng không kiểm soát. Khi phát hiện nấm, mốc trong kho bảo quản hiện vật, cần tham khảo ý kiến các chuyên gia đối với các rủi ro về sức khỏe và sự lây lan của nấm, mốc.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang